Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc. |
Hơn 8 tỷ USD vốn ODA mà các nhà tài trợ của Việt Nam cam kết trong năm 2010 là con số đầy ấn tượng.
Nhưng quan trọng hơn là sự ủng hộ mạnh mẽ, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách phát triển, tiến tới hội nhập cộng đồng quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã, đang xây dựng và thực thi.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, có được điều này là do các dự án ODA ở Việt Nam có sự giám sát công khai của các nhà tài trợ và mọi thủ tục đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Con số ODA các nhà tài trợ của Việt Nam cam kết trong năm 2010 tăng tới hơn 2 tỷ USD so với năm 2009 đã thể hiện niềm tin đối với chính sách và xu hướng phát triển của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
So với con số gần 6 tỷ USD mà cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong năm ngoái thì cam kết vốn vay ODA của các nhà tài trợ năm nay có sự tăng trưởng lớn. Tất nhiên, sự lựa chọn của các nhà tài trợ quốc tế bắt nguồn từ niềm tin đối với chúng ta.
Phải nói là Chính phủ Việt Nam luôn luôn đảm bảo rằng nguồn vốn tài trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam được sử dụng hiệu quả. Từ trước đến nay, Chính phủ luôn có các biện pháp để đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ này.
Thời gian qua, nhiều đoàn kiểm tra của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, đoàn Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản... đã sang xem xét, kiểm tra nguồn vốn ODA được sử dụng như thế nào. Tất cả đều có nhận định chung Việt Nam là nước sử dụng ODA có hiệu quả nhất. Chính phủ Việt Nam đã luôn có những biện pháp tích cực và quyết liệt để đảm bảo việc giải ngân diễn ra theo đúng tiến độ.
Như trong năm 2009, tổng giá trị vốn ODA giải ngân tính đến 20/11 ước đạt 1,99 tỷ USD, vượt khoảng 5% so với kế hoạch dự kiến cả năm 2009. Các dự án ODA ở Việt Nam có sự giám sát công khai của các nhà tài trợ và mọi thủ tục đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Việc kiểm soát chi tiêu trong các dự án ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ thực hiện khá tốt và sự thất thoát trong việc sử dụng vốn của các dự án ODA là thấp.
Bên cạnh đó, các nhà tài trợ đều nhận định chúng ta đã xác định được hướng đi đúng đối với một nước đang phát triển, đã đề ra được những giải pháp cũng như đã có những bước đi phù hợp, linh hoạt bảo đảm đất nước phát triển theo hướng bền vững.
Là một nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới có mong muốn những đồng vốn ODA được hướng tới nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất, lấp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Một số nhà tài trợ khác thì muốn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực môi trường... Định hướng sử dụng vốn ODA của chúng ta tới đây sẽ thế nào, thưa Bộ trưởng?
Tất nhiên là Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe mong muốn của những nhà tài trợ. ODA của chúng ta trong những năm qua tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng xã hội như xây dựng bệnh viện, trường học, tập trung vào các hoạt động xoá đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa để tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền trong phạm vi cả nước.
Đồng thời cũng tập trung vào các dự án cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp...Ngoài ra, Hội nghị CG giữa kỳ tổ chức vào tháng 6/2010 tới tại Phú Quốc là một huyện đảo vừa nghèo vừa là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiếp tục là một sự thể hiện cho thấy chúng ta luôn rất lắng nghe những mong muốn của các nhà tài trợ .
Huy động được vốn ODA ngày càng nhiều là một niềm vui rất lớn của Việt Nam. Nhưng, thưa ông, phải chăng bên cạnh niềm vui này cũng còn không ít băn khoăn vì vốn ODA càng tăng thì nợ cũng ngày càng lớn theo?
Các khoản viện trợ cho Việt Nam chính là tiền thuế của người dân các nước. Chính phủ Việt Nam cùng với các nhà tài trợ giám sát, triển khai giải ngân nguồn vốn cam kết này đúng theo định hướng và mục tiêu của các nhà tài trợ, kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời phải luôn cố gắng trách nhiệm cao trong việc trả nợ. Trong 16 năm qua, kể từ năm 1993 đến nay, thông qua nguồn ODA, các nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, kể cả những lúc nhà tài trợ gặp khó khăn.
Tỷ lệ nợ hiện nay của chúng ta ở mức cao, nhưng tỷ lệ này luôn dưới mức an toàn cho phép, Việt Nam đủ khả năng trả nợ. Trong 16 năm qua, kể từ khi vay vốn ODA, Việt Nam vẫn trả nợ đúng hạn và chưa chậm nợ của nước nào.
(Theo Lê Châu // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com