PGS.TS Trần Hoàng Ngân -Ảnh: THANH ĐẠM |
Người vay kêu lãi suất (LS) quá cao, các ngân hàng (NH) cũng đã giảm LS nhưng vẫn chưa thể giảm nhiều hơn vì nhiều lý do. Xung quanh vấn đề LS, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông nói:
- Để chống lạm phát, chính sách vĩ mô nhắm tới mục tiêu phải giảm cầu, trong đó giải pháp tăng LS là quan trọng nhất. LS vay tiền tăng cao, người ta sẽ giảm bớt vay tiền NH để đầu tư, tiêu dùng. Nay mục tiêu này đã đạt được, cầu đã giảm, đồng thời cũng xuất hiện những dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung, doanh nghiệp giảm bớt đầu tư có thể dẫn đến thất nghiệp, ít nhiều ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Mức LS cho vay hiện nay đã từng có ở những năm thập niên 1980. Vì vậy cần phải có giải pháp xử lý để tránh nền kinh tế vừa chịu lạm phát cao lại suy giảm tăng trưởng.
* Nhưng để giảm LS cho vay cũng phải giảm LS huy động, điều này có hợp lý với người gửi tiền khi lạm phát vẫn còn cao?
- Nhiều nước trên thế giới cũng đang chịu lạm phát cao nhưng không nơi nào LS cao như ở VN. Có điểm khác biệt giữa VN với các nước, đó là họ điều hành LS theo chỉ số lạm phát cơ bản (LPCB) thay vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như ở VN. LPCB đã loại trừ những yếu tố biến động bất thường của giá xăng dầu, lương thực - thực phẩm, trong khi CPI bao gồm tất cả biến động này. Phải loại trừ bởi có thể tháng này giá lương thực - thực phẩm tăng bất thường vì một nguyên nhân nào đó nhưng tháng sau mức giá này đã giảm lại. Sự tăng giá này không phải xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ.
Nếu LS huy động cao hơn CPI, để đảm bảo cho người gửi tiền có lãi thì không người vay nào chịu nổi mức LS này. Vì vậy, cần phải xác lập lại, tiến tới điều hành LS theo LPCB để có cơ sở giảm LS huy động và LS cho vay. Trước đây đã có ý kiến đề xuất bỏ CPI và chỉ ban hành chỉ số LPCB. Tuy nhiên không nên bỏ CPI, vẫn duy trì công bố cả hai chỉ số: CPI để làm cơ sở tính toán việc trả lương, thu nhập, còn LPCB để điều hành chính sách tiền tệ. Nhiều nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… đều có LS cơ bản thấp hơn nhiều so với mức lạm phát. Thái Lan hiện CPI là 9,2%, LPCB là 3,5% và các NH đang huy động với LS dưới 3,5%.
* Theo ông, LS huy động và LS cho vay ở mức bao nhiêu là phù hợp?
- LPCB tại VN ước tính chỉ 11-12%, như vậy mức LS mà các NH huy động khoảng 14% đảm bảo cho người gửi tiền có lãi. Mức LS phù hợp, với huy động là khoảng 14% và cho vay là 18%. Hiện LS cho vay đang áp dụng từ 19-21%, phổ biến là 21%, còn LS huy động khoảng 18%/năm là quá cao.
* Các NH cũng đã chủ động giảm LS và họ còn muốn giảm thêm nhưng chưa thể, vậy theo ông, gỡ như thế nào?
- NH Nhà nước phải chia sẻ để tạo điều kiện cho các NH thương mại giảm LS cho vay. Trước mắt, trong số dự trữ bắt buộc 11%, NH Nhà nước nên tính toán để có thể trả lãi cho phần dự trữ bắt buộc 6% đã tăng thêm kể từ giữa năm 2007 đến nay. Hiện khoản dự trữ bắt buộc này đang đẩy chi phí sử dụng vốn của các NH lên khá cao. NH huy động LS khoảng 17,5%, cho vay 21% mới có thể cân đối được tài chính. NH Nhà nước thấy vấn đề này và đã trả thêm lãi cho khoản tín phiếu bắt buộc, nhưng nay cần phải mạnh tay hơn để gỡ khó cho các NH.
Về phía các NH thương mại cũng phải tính toán lại LS huy động, nên đưa LS tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ gửi ngắn trở lại mức bình thường chứ không thể đẩy lên ngang ngửa với tiền gửi có kỳ hạn dài như thời gian qua.
* Chính phủ đang nỗ lực đưa CPI xuống một con số vào cuối năm 2009, theo ông, xu hướng LS trong thời gian tới như thế nào?
- Các giải pháp kiềm chế lạm phát cần phải có thời gian để phát huy tác dụng. Nếu làm kiên quyết thì có thể trong quý 2-2009 NH Nhà nước điều chỉnh giảm dự trữ bắt buộc và tạo lộ trình để đưa LS trở về mức của năm 2007.
Tạo "đường cong" cho lãi suất |
(Theo TTO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com