Tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, cùng với thảm họa tại Nhật Bản đang khơi dậy cảm giác lo lắng về kinh tế toàn cầu trong năm 2011. Ảnh: Reuters |
Tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, cùng với thảm họa tại Nhật Bản đang khơi dậy cảm giác lo lắng về kinh tế toàn cầu trong năm 2011.
Năm 2011 được hy vọng là một năm kinh tế toàn cầu không quá áp lực. Tháng 1-2011, khủng hoảng tài chính bắt đầu mờ dần và khủng hoảng nợ tại châu Âu cũng bớt nghiêm trọng hơn. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư đã tích lũy vào cổ phiếu và bán một số trái phiếu chính phủ mà họ mua như một cách đảm bảo trong những lúc kinh tế gặp vấn đề. Nếu có điều gì đó lo lắng thì chỉ là việc các nền kinh tế mới nổi phát triển với tốc độ quá nhanh, gây ra tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa.
Nhưng hy vọng về một năm không có khủng hoảng có thể không trở thành hiện thực. Thế giới Ảrập biến động đẩy thị trường dầu hỏa vào tình trạng bất ổn. Sau đó, động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân dồn dập tấn công nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Nhật Bản.
Những dư chấn không thể tránh
Động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản đủ lớn để trở thành một cú sốc đối với tăng trưởng kinh tế của nước này và là một khoản trừ đáng chú ý vào sản lượng toàn cầu. Nhật Bản là một nhà cung cấp lớn, trong nhiều trường hợp còn là nhà cung cấp duy nhất về hàng hóa trung gian cho ngành công nghiệp xe hơi và điện tử thế giới, từ kính cứng trên iPad của Apple cho đến hộp số trong xe Volkswagen. Nhiều nhà sản xuất các sản phẩm này đang phải giảm hoặc ngưng các chuyến hàng do hệ thống giao thông bị gián đoạn, điện bị cắt hoặc mất các cơ sở cung cấp linh kiện cho họ trong thảm họa trên. Ảnh hưởng lan ra ngoài Nhật Bản khiến nhiều hoạt động sản xuất phải đóng cửa, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha.
Những ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị tại Ảrập lại càng phức tạp. Giá dầu đã tăng lên nhờ viễn cảnh sáng sủa hơn của kinh tế toàn cầu. Nhưng hy vọng tăng sản lượng trong năm nay có vẻ không khả quan khi nhìn vào các nguồn cung của thế giới. Một quy tắc chung cho rằng giá dầu tăng 10% sẽ làm giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu năm nay, kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 4-4,5%. Một dự tính nhanh cho thấy khủng hoảng chính trị trong thế giới Ảrập sẽ khiến tăng trưởng thế giới giảm 0,25-0,5 điểm phần trăm.
Ước tính trên có thể chưa lường hết được những tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng về bản chất là tạo ra hàng loạt sự không ổn định. Các doanh nghiệp hoãn chi tiêu và tuyển dụng cho đến khi tình hình sáng sủa hơn. Nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong trái phiếu và đánh mất hứng thú đầu tư vào cổ phiếu.
Gánh nặng lớn nhất hiện đè trên vai Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Ngân hàng này đã bơm tiền vào nền kinh tế nhằm chống lại hoạt động tích trữ trong hoảng loạn, tiếp tục mở rộng hoạt động mua trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và các khoản nợ doanh nghiệp. Việc “nới lỏng tiền tệ” có thể giúp lợi suất trái phiếu chính phủ ngừng tăng lên khi các khoản vay của chính phủ dành cho tái thiết giúp chống lại giảm phát.
Và những dư chấn có thể tránh
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế không thể mang lại hòa bình cho thế giới Ảrập và cũng chẳng giúp làm cho các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản bình yên trở lại, nhưng họ có thể giúp giảm thiểu các thiệt hại liên quan.
Trong một cuộc họp với sự đồng cảm, nhóm G7 đã cùng với Ngân hàng trung ương Nhật Bản bán đồng yen sau khi đồng tiền này tăng mạnh. Tuy nhiên, những hành động này cần có giới hạn, Nhật Bản quá phụ thuộc vào xuất khẩu, ưu tiên hàng đầu của nước này là kích thích tiêu dùng nội địa và kết thúc tình trạng giảm phát chứ không phải là khiến đồng yen rẻ đi. Một cách khác tốt hơn đối với các thành viên ngoài Nhật Bản là giúp đảm bảo rằng những lo lắng về phóng xạ trong sản phẩm hàng hóa của Nhật Bản không trở thành lý do của việc bảo hộ kinh tế.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác đang đối đầu với nhiệm vụ phức tạp hơn. Ngoài giá dầu tăng cao và sản lượng của Nhật Bản giảm, họ còn lo lắng thêm về nguy cơ lạm phát ở mức cao. Hiện, Anh đang lo lắng về mức lạm phát 4,4%. Chính phủ liên minh tại Anh đã tái xác nhận cam kết thắt lưng buộc bụng đối với ngân sách chi tiêu trong tuần qua. Mỹ cũng bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Nhiều nước thắt chặt tài chính sẽ tiếp tục cản trở quá trình phục hồi kinh tế.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự tính tăng lãi suất vào tháng tới. Đây có thể là một sai lầm. Trong khu vực đồng euro, lạm phát và mức tăng lương cơ bản đều đang thấp và lạm phát được kỳ vọng nằm trong vòng kiểm soát. Nếu ECB tăng lãi suất, ngân hàng này sẽ khiến đồng euro mạnh lên và cản trở nỗ lực phát triển để vượt ra khỏi nợ của các nước như Hy Lạp, Ireland và nước đang có khả năng phải nhận hỗ trợ như Bồ Đào Nha.
Một điều mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế có thể làm đối với các cuộc khủng hoảng trên là tránh xa chiến tranh. Trong trường hợp này, điều ưu tiên hàng đầu là không nên làm cho tình hình trở nên xấu hơn.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Economist)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com