Giá ngũ cốc tại EU đã tăng trong vài tuần nay. Tại Pháp, giá lúa mì đã tăng gần gấp đôi từ 110 EUR/ tấn lên tới 210 EUR/tấn vào tháng trước. Còn tại Anh, giá lúa mạch trên thị trường đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tuần qua.
Giá ngũ cốc tăng cao kéo theo sự tăng giá của bột mì và các sản phẩm làm từ bột mì như bánh mì và mì ống. Tại hầu hết các nước EU, người mua sẽ không thấy giá tăng ngay lập tức, bởi hợp đồng của các hiệu bánh với các nhà bán lẻ thường có thời hạn 30 ngày và nhiều nhà bán lẻ vẫn có thể mua các sản phẩm bột mì với giá cũ tại thời điểm này.
Sự tăng giá ngũ cốc và bột mì tại EU đã khiến nhiều hợp đồng bị hủy bỏ. Do vậy, người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu nhiều sức ép về giá bánh mì vào đầu tháng Chín tới.
Trong khi đó, báo chí châu Âu đang tìm kiếm người có lỗi chính cho việc tăng giá này. Tờ Financial Times của Anh cho rằng, Nga có lỗi trong vấn đề này do lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của chính phủ nước này từ ngày 15/8 đến ngày 31/12 năm nay.
Theo FT, quyết định này của Nga là không đúng đắn, bởi nó có thể gây ra sự lo ngại cho các thương nhân buôn bán ngũ cốc của châu Âu.
Mặt khác, Nga cũng có thể khiến các quốc gia đồng minh khác “theo bước” và hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nhằm bảo vệ thị trường trong nước.
Theo dự báo, vụ mùa của Nga sẽ giảm 25% một năm trong những năm tới, Ba Lan là 10%, còn Slovakia và Hungary có thể sẽ giảm tới 30%.
Phải nói rằng, ảnh hưởng của Nga lên thị trường ngũ cốc của EU là không trực tiếp. Trên thực tế, thị trường lúa mì chính của Nga là Trung Đông, bởi vậy, không thể nói rằng, lệnh cấm xuất khẩu của Nga ảnh hưởng xấu đến các nước EU.
Tuy nhiên, tờ Wyborcza của Ba Lan bình luận rằng, Ai Cập và nhiều nhà nhập khẩu ngũ cốc Trung Đông khác, một khi đã không thể nhập khẩu lúa mì từ Nga, sẽ phải chuyển sang thị trường châu Âu, và điều này sẽ khiến một lượng ngũ cốc đáng kể rời khỏi thị trường châu Âu.
Khi xảy ra tình trạng thiếu lương thực, các nước châu Âu thường phải tăng giá lương thực. Điển hình là Ba Lan, một trong những khu vực có nền nông nghiệp mạnh tại EU. Khi Ba Lan lâm vào tình trạng thiếu lương thực trong nửa cuối của những năm 1990, các công ty chế biến bột mì của nước này đã tăng giá bột mì. Theo đó, giá bánh mì cũng tăng lên.
Tại thời điểm đó, Ba Lan vẫn chưa là thành viên của EU. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này đã quyết định mở cửa biên giới, miễn thuế nhập khẩu lúa mì từ Hungary, CH Czech và Slovakia. Chính vì thế, ba quốc gia trên đã cung cấp một lượng lớn ngũ cốc cho Ba Lan trong thập niên đó. Nhờ vậy, thị trường của Ba Lan dần trở nên ổn định, giá cả giảm và mọi thứ trở nên bình thường.
Tuy nhiên, khi giá bột mì một lần nữa tăng trong năm 2006, Ba Lan đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách áp đặt các hạn chế để xuất khẩu ngũ cốc của mình. Ba Lan đã gia nhập EU sau khi cuộc khủng hoảng lương thực 2007-08 kết thúc. Nhờ vậy, Ba Lan có thể sử dụng quỹ dự trữ ngũ cốc chung của EU. Quỹ này được thiết lập để thực hiện các can thiệp chung vào thị trường châu Âu trong trường hợp khẩn cấp.
Nga chưa phải là thành viên EU. Vừa qua, quốc gia này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc tạm thời nhằm tiết kiệm nguồn ngũ cốc cho tiêu dùng trong nước.
Gần đây, Nga bị chỉ trích là “ích kỷ” khi bất ngờ đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc. Tờ FT cho rằng, Nga nên dựa vào một mạng lưới an ninh lương thực quốc tế để bảo vệ cho mình và có thể một mạng lưới quốc tế như vậy sẽ được thiết lập dưới sự bảo hộ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hệ thống này sẽ tạo ra các quy tắc để các nước khác phải tuân thủ trong trường hợp muốn đình chỉ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ giảm nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Tuy nhiên, Nga vẫn chưa trở thành thành viên chính thức của WTO. Đề nghị gia nhập WTO của Nga đã nhiều lần bị trì hoãn phê duyệt, trong đó có cả sự không đồng tình từ phía các nước EU.
Hiện tại, phương Tây rất cần ngũ cốc của Nga để bình ổn giá và gợi ý rằng, Nga nên bán một số dự trữ của mình dưới sự bảo hộ của WTO.
(vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com