Cà phê Việt Nam chiếm 5% thị phần xuất khẩu thế giới, nhưng các doanh nghiệp không lo được chuyện giữ giá như nhiều mặt hàng khác. Ảnh:Lê Toàn |
“Để đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008 thì 4 tháng cuối năm 2009 cần bình quân xuất khẩu 5,7 - 5,8 tỉ đô la Mỹ/tháng”. Đó là nhận định của Bộ Công thương đưa ra hôm 27-8, cùng với các biện pháp điều hành xuất khẩu để kim ngạch xuất khẩu không giảm.
Trong cuộc họp bàn về thúc đẩy xuất khẩu 4 tháng cuối năm, được tổ chức vào ngày 27-8 tại Hà Nội, Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 37,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó khu vực 100% vốn trong nước đạt 22,8 tỉ đô la, giảm 18% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,5 tỉ đô la, giảm 7,3%.
Trong số nhóm hàng xuất khẩu giảm kim ngạch mạnh nhất thì nhóm nhiên liệu, khoáng sản dẫn đầu với mức giảm 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng này ước đạt 5,57 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu qua 8 tháng. Nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 4,3% (đạt 23,4 tỉ đô la), nông thủy sản giảm 9,4% (ước đạt 8,25 tỉ đô la).
Bộ Công Thương nhận định giá cả hàng hóa xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2008 nên kim ngạch xuất khẩu suy giảm. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu từ tháng 5 tới nay cho thấy giá hàng hóa có xu hướng tăng dần lên.
Nhóm hàng xuất khẩu nông, thủy sản có thể đạt được kim ngạch xuất đi dự kiến cả năm khoảng 12,4 tỉ đô la do 4 tháng tới dự kiến giá gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu tăng, không kể đến việc tăng lượng do một số mặt hàng vào vụ như thủy sản, cao su, cà phê. Hay như giá dầu thô hiện tại đã tăng gần gấp đôi so với những tháng đầu năm 2009, sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu dầu thô 4 tháng cuối năm, dự kiến cả năm đạt 8,7 tỉ đô la.
Để đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008, thì 4 tháng cuối năm nay bình quân phải đạt 5,7 tỉ đến 5,8 tỉ đô la/tháng. Bộ Công thương cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp, các nhóm ngành hàng phải tập trung dốc sức.
Nhưng ông Nguyễn Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng đặc điểm của ngành dệt may xuất khẩu 4 tháng cuối năm theo thông lệ là xuất đi các đơn hàng hè, thường giá trị thấp hơn các đơn hàng đông xuất từ các tháng đầu năm. Và từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng xuất đi chừng 800 triệu đô la nên mục tiêu 3,6 tỉ đô la cho 4 tháng cuối năm (trung bình 900 triệu đô la/tháng) là rất khó. Ngay từ đầu năm và đến tận bây giờ, Vinatex vẫn giữ quan điểm kim ngạch cả năm nay xuất đi cao nhất cũng chỉ đạt mức 9,1 tỉ đô la.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng cho rằng thị trường xuất khẩu gạo cho 4 tháng cuối năm là hạn chế, do vụ hè thu được mùa nhưng chất lượng gạo thấp. Hơn nữa, việc xuất khẩu những tháng đầu năm do giá thấp, dẫn đến hiệu quả thấp.
“Việc xuất đi 1,5 triệu tấn cho 4 tháng cuối năm trong tổng số kim ngạch xuất khẩu dự kiến cả năm là 6 triệu tấn không khó, nhưng vấn đề giữ giá quan trọng hàng đầu”, ông Huệ nói và cho hay là các đối tác mua gạo của Việt Nam hiện biết được vụ hè thu bội thu, nguồn cung nhiều nên ép giá xuống. Nếu không muốn mất giá thì chỉ có cách mua dự trữ cho nông dân chuyển qua quí 1 năm 2010. “Nhưng lượng tồn kho lớn từ hơn 1 triệu tấn trở lên là sức ép cũng rất lớn cho doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam cũng nhận định rằng giá cà phê xuất khẩu biến động liên tục qua từng ngày trên các thị trường bán buôn thế giới và doanh nghiệp Việt Nam không theo kịp. Việt Nam hiện chiếm 5% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới, nhưng giá đang thấp hơn so với giá xuất đi của Brazil, Ấn Độ. Ông đề nghị ngân hàng hỗ trợ lãi suất vốn vay 0% cho một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn để mua trữ cà phê, tránh rớt giá đầu vụ do bán ra nhiều và cuối vụ dù giá có cao cũng không còn cà phê để bán.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com