Giáo sư quan hệ ngoại giao Brantly Womack của đại học Virginia, Mỹ, một chuyên gia về quan hệ Việt – Trung vừa có bài viết trên tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương số ra tháng 10.2009, về mối quan hệ này. Bài viết Việt Nam và Trung Quốc trong thời đại bất ổn kinh tế phân tích mối quan hệ của hai nước trước và sau khủng hoảng toàn cầu. Sài Gòn Tiếp Thị trích giới thiệu và đặt tựa dựa trên bản dịch của Ngô Bắc.
Sự mất cân xứng trước khủng hoảng
Mậu dịch với Trung Hoa đi nhanh hơn mức tăng trưởng nói chung, nhưng mối quan hệ mậu dịch đó bất cân xứng trong mọi khía cạnh, và tình trạng bất cân xứng tạo ra các quan điểm khác biệt nền tảng về mối quan hệ.
Quy trình chế biến dứa xuất khẩu. Trung Quốc bán trái cây và rau cho Việt Nam gấp ba lần số mua từ Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Việt Nam trong năm 2007 chỉ bằng 3% GDP của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng hoá nhiều thứ nhì và là nước nhập khẩu lớn thứ ba của thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 50 về xuất khẩu và 41 về nhập khẩu.
Cơ cấu mậu dịch của hai nước hoàn toàn khác biệt. Đối với Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp, nhiên liệu, và khoáng chất chiếm 46,3% tổng số xuất khẩu, trong khi đó đối với Trung Quốc, chúng chỉ cấu thành 6,7%. Sản phẩm Trung Quốc tràn ngập các thị trường Việt Nam. Đáng ngạc nhiên hơn, Trung Quốc bán trái cây và các loại rau cho Việt Nam gấp ba lần số Trung Quốc mua từ Việt Nam. Các sự khác biệt này trong năng lực và cơ cấu kinh tế, cũng như trong trọng lượng toàn bộ, tạo ra một khuôn khổ mất cân xứng cho mối quan hệ kinh tế.
Sự chênh lệch giữa nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam càng sâu sắc hơn bởi sự mất cân bằng giữa các số nhập khẩu và xuất khẩu. Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu 70% số cao su sang Trung Quốc, nhưng phải mua lại các sản phẩm cao su chế tạo từ Trung Quốc nhiều hơn hai phần ba số Việt Nam bán. Nói chung, Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc về một loạt nhiều loại hàng nhập khẩu. 20% tổng số nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam bán than đá, dầu hoả, và thực phẩm cho Trung Quốc.
Việt Nam là một thị trường đối ngoại tuyệt hảo cho sản phẩm của Trung Quốc bởi các điều kiện kinh tế và văn hoá tiêu thụ tương đồng và giá vận tải thấp. Trong khi Việt Nam không thể tìm được nguồn cung cấp với giá cả khả sánh cho phần lớn những gì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc có thể mua các sản phẩm nhiên liệu và từ vùng nhiệt đới khác.
Dự trữ than đá của Việt Nam đang thu nhỏ dần. Trong năm 2010 nhu cầu nội địa về than đá sẽ xấp xỉ tổng sản lượng, và vào năm 2015 Việt Nam ước tính sẽ nhập khẩu 25 triệu tấn, nhiều hơn phân nửa sản lượng nội địa hiện thời. Nhưng trong sáu tháng đầu của năm 2009, hơn một nửa sản lượng đã được xuất khẩu, trong đó hai phần ba tổng số xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng dầu hoả cũng sút giảm từ năm 2005. Các số xuất khẩu dầu hoả trong năm 2007 thấp hơn số xuất khẩu năm 2000, mặc dù số thu hoạch lớn hơn nhờ tăng giá.
Việt Nam là một nước xuất khẩu tài nguyên, nhưng có số sản xuất và dự trữ giới hạn, và một nhu cầu khẩn cấp để trang trải các món nhập khẩu. Trung Quốc là nước nhập khẩu tài nguyên, nhưng có tiền mặt để trả cho khoản nhập khẩu đó.
Với Trung Quốc, mậu dịch Trung – Việt ít quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam. Trong năm 2007, Việt Nam đứng hàng thứ 22 trong số xuất khẩu của Trung Hoa, và đứng thứ 38 về nhập khẩu. Trong các đối tác châu Á, Việt Nam đứng thứ 16 về xuất khẩu, đứng sau tất cả năm nền kinh tế lớn của khối ASEAN, và thứ 11 về nhập khẩu, sau Singapore, Malaysia, Indonesia, và Thái Lan. Tóm lại, các chiều hướng trong mậu dịch song phương với Trung Quốc bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều hơn, nhưng xuất khẩu lại ít hơn.
Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trở thành lớn và gia tăng, nhưng được cân đối bằng khoản thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ. Tuy nhiên, sự gia tăng rõ rệt trong sự mất cân bằng với Trung Quốc từ năm 2005 đã xoá dần lợi thế này của Việt Nam. Trong năm 2007, phần thặng dư mậu dịch với Mỹ trang trải cho 92% phần thâm thủng với Trung Quốc. Nhưng đến nửa năm đầu của 2009, nó chỉ bảo bọc được 81%.
Việt Nam cũng có một khoản thặng dư mậu dịch lớn với EU, nhưng do kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời, thị trường tiêu thụ của các nước đã phát triển đang đi xuống, trong khi nhu cầu của Việt Nam về các hàng hoá của Trung Quốc tiếp tục đi lên, nên lợi thế này cũng yếu đi.
Trong nửa năm đầu của 2009, tổng số mậu dịch với Trung Quốc là 16%, gần bằng mức mậu dịch với ASEAN (18,4%). Số xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 7,5% tổng số xuất khẩu, vào khoảng một nửa số xuất khẩu sang Mỹ (19.5%), trong khi Trung Quốc là nguồn cung cho 23% số nhập khẩu của Việt Nam, gần gấp ba lần số nhập khẩu từ EU và 1 tỉ USD nhiều hơn số nhập khẩu từ khối ASEAN.
Thách đố của hai nền kinh tế
Những thử thách tương đồng
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều dựa vào các thị trường Mỹ và châu Âu cho gần một phần ba số xuất khẩu của mình. Cuộc khủng hoảng khiến thị trường Mỹ và châu Âu bị thu nhỏ lại, gây tổn thất cho các khu vực của nền kinh tế được tạo lập đặc biệt để phục vụ cho các thị trường này. Vì thế, thử thách trực tiếp nhất cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ là việc làm dịu nhẹ tổn thất của các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng.
Thử thách sâu xa và quan trọng hơn là việc chuyển hướng chiến lược phát triển các thị trường mới. Các thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong kỷ nguyên mới của tình trạng bất định nhiều phần sẽ là các nước có lợi tức bậc trung, kể cả chính Trung Quốc, và các cơ hội dài hạn lớn nhất sẽ là ở các nước nghèo nhất. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có các lợi thế đặc biệt tại các thị trường này bởi vì chính bản thân hai nước là các nước đang phát triển và vì thế quen thuộc với các nhu cầu của các nền kinh tế như thế.
Thử thách quan trọng nhất của sự phát triển thị trường sẽ nằm trong phạm vi nền kinh tế nội địa của Việt Nam và Trung Quốc. Thị trường của chính mình là thị trường đáng tin cậy nhất trong thời kỳ có sự bất định toàn cầu. Đối với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, thị trường nội địa là cơ hội quan trọng tại châu Á.
Một thử thách chung cuối cùng cho Việt Nam, Trung Quốc và các nước láng giềng là phát triển và gia cố các định chế cấp miền, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển, mậu dịch và tài chính. Sự yếu kém và tính biến đổi của đồng USD càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng Đông Á trong việc cung cấp sự ổn định tài chính quốc tế của chính nó.
Những khó khăn khác biệt
Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ hơn, và ít giàu có hơn nhiều so với Trung Quốc. Trung Quốc có lợi thế của bảy năm cải cách và cởi mở trước, và không bị chiến tranh và sự đối nghịch quốc tế kéo dài. Mỹ bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc từ năm 1979, nhưng với Việt Nam, mãi tới năm 1995. Việt Nam gia nhập vào WTO năm 2007, trong khi Trung Quốc gia nhập năm 2001.
Bởi kinh tế Việt Nam như một chiếc thuyền nhỏ hơn chèo sát mặt nước hơn, nên gặp nhiều khó khăn khẩn cấp hơn trong việc điều chỉnh theo cuộc khủng hoảng hiện thời. Trước khi cuộc khủng hoảng khởi phát, lạm phát đã là một vấn đề, lên đến 28% trong tháng 8.2008. Trung Quốc trải qua một chu kỳ tương tự của các áp lực lạm phát, các chính sách giảm phát, và các biện pháp kích thích, nhưng lạm phát ở mức ôn hoà hơn nhiều (5%) và nó có một thặng dư mậu dịch khổng lồ. Kể từ năm 2003, Việt Nam có các khoản thâm thủng mậu dịch với mọi nước trong khối ASEAN, trừ Campuchia và Philippines, và ngoại trừ hai nước đó cùng với Nam Phi, phần còn lại của khoản thặng dư của Việt Nam là với các nước đã phát triển.
Về việc tái định hướng thị trường, cơ hội đơn nhất to lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Biên giới phía bắc Việt Nam giáp với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc là con đường tiếp cận đặc biệt với miền tây nam Trung Quốc, chưa kể sự tiếp cận hàng hải khá tốt với Quảng Đông và Hải Nam. Tuyến đường bộ và đường sắt tại miền nam Trung Quốc cũng tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Nam tiếp cận Trung Quốc. Các dự án phát triển hỗn hợp tại các cửa ngõ quan trọng Lạng Sơn/Bằng Tường và Móng Cái/Đông Hưng mang lại các lợi điểm độc đáo, để thực hiện các dự án lớn hơn chẳng hạn như các kế hoạch để phát triển vùng vịnh Bắc Bộ.
Thử thách của Việt Nam trong việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là khả năng khám phá các sản phẩm và các khu vực tiêu thụ mà các nhà sản xuất Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc.
Ngoài mậu dịch với Trung Quốc, các thị trường của Việt Nam tại ASEAN và Đông Á còn chỗ để mở rộng. Bên ngoài châu Á, sự thành công của Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi cho thấy Việt Nam cũng có cơ hội ở những nơi đó, bởi Việt Nam có các lợi điểm nguyên tố tương tự, nếu không phải về phạm vi và tư bản. Nam Phi, Úc và New Zealand cũng đang mời mọc hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với Campuchia và Lào có thể được phát triển hơn nữa. Trong khi Trung Quốc xây dựng các đường nối theo trục dọc với miền Đông Nam Á lục địa, Việt Nam có thể tăng cường các sợi dây liên kết theo trục ngang. Các dự án này không tranh chấp nhau, nhưng sẽ nâng cao lợi ích của mỗi bên.
Việt Nam và Trung Quốc phải đối diện với các thử thách về sự tái tổ chức cấp miền, nhưng từ các lợi điểm khác nhau. Đối với Trung Quốc, đó là vấn đề đa miền, cùng lúc phải quản trị các mối liên hệ của mình với miền Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Trung Á. Đối với Việt Nam, công tác cấp miền quan trọng nhất là củng cố khối ASEAN, cả về mặt nội bộ lẫn trong các mối quan hệ tập thể của khối ASEAN với Trung Hoa và Ấn Độ.
(Theo SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com