Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường gạo thế giới có thể tái khủng hoảng

Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, có thể trở thành nước nhập khẩu ròng mặt hàng này vào năm 2010, lần đầu tiên sau 21 năm, sau những đợt hạn hán trầm trọng vừa qua. Philippine có thể sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục cao mới. Nếu những điều đó xảy ra, thị trường gạo thế giới có thể sẽ lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như năm 2008, khi giá lập kỷ lục cao trong lịch sử.

Theo nhà phân tích cấp cao của Viên Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI), Samarendu Mohanty, Ấn Độ có thể phải nhập khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm tới, do sản lượng trong nước giảm mạnh. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2006, nước này tái xuất hiện trên thị trường nhập khẩu, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Năm ngoái, những cuộc biểu tình đã nổi lên khắp thế giới, từ Bănglađét tới Haiti, do nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, hạn chế xuất khẩu gạo bởi lo sợ thiếu cung trên thị trường nội địa, đúng vào thời điểm các nước nhập khẩu tăng cường mua gạo để đảm bảo đủ cung cho mình, đẩy giá tăng lên mức cao kỷ lục.

Ông Mohanty, tác giả của cuốn sách “Biến động tài chính trong mậu dịch nông sản” (“Financial Volatility in Agricultural Trade”), nhận định Ấn Độ có thể sẽ lại châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực mới. Tại Hội nghị Gạo Quốc tế tổ chức ở Cebu, miền trung Philippine, ông phát biểu: “Nếu giá gạo tăng, sẽ có bạo loạn ở nhiều nước”.

Giá gạo kỳ hạn giao tháng 1/2010 tại Chicago ngày 16/11/2009 đã tăng lên mức 15,25 USD/cwt (khoảng 45 kg). Như vậy, giá gạo tại Chicago đã liên tục tăng trong những ngày gần đây. Tháng 4/2008, giá gạo tại Chicago đã lập kỷ lục cao 25,07 USD/cwt.

Vụ thu hoạch lúa nước ở Ấn Độ, chiếm 80% tổng sản lượng, có thể giảm 24% xuống mức 65 triệu tấn, so với 85 triệu tấn cùng vụ năm ngoái.

Dự trữ giảm

Dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục xuất khẩu gạo basmati – có giá rất cao, với lượng xuất khẩu sẽ lên tới khoảng 2,5 triệu tấn. Mỗi năm, Chính phủ Ấn Độ bán 20 triệu tấn gạo phi – basmati với giá trợ cấp cho khoảng 65 triệu gia đình nghèo.

Theo nhà phân tích cấp cao của Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc, ông Concepcion Calpe, sản lượng giảm ở Ấn Độ sau đợt ít mưa nhất kể từ năm 1972 có thể khiến dự trữ của một trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này giảm khoảng 1/3, xuống chỉ 20 triệu tấn vào cuối niên vụ kết thúc vào tháng 9/2010.

Giám đốc công ty Emmons International Ltd., Rakesh Singh, nhận định: “Chính phủ Ấn Độ không thể không nhập khẩu gạo vào năm tới nếu xảy ra một đợt hạn hán nữa, hoặc lũ lụt, do dự trữ cho năm tới còn rất ít.”

Tình trạng thiếu cung

Theo ông Mohanty, tình trạng nguồn cung “rất khan hiếm”, và nó sẽ “phụ thuộc vào việc Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao”. Việc có xảy ra khủng hoảng lương thực ở Ấn Độ hay Philippine - những nước đang nắm giữ những điểm trọng yếu của thị trường gạo thế giới - sẽ quyết định vận mệnh thị trường gạo toàn cầu từ nay tới năm 2010.

Giám đốc Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA), Jessup Navarro, cho biết Philippine có thể sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo năm 2010 lên trên 2 triệu tấn, so vớ 1,78 triệu tấn năm nay, sau khi bão tàn phá mùa màng. Nước Đông Nam Á này đang bắt đầu tiến hành nhập khẩu gạo cho năm 2010 sau khi xác định được mức độ thiệt hại do bão gây ra.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine, Arthur Yap, và Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Gạo Mỹ, Dwight Roberts, cũng có chung nhận định rằng mất mùa có thể đẩy giá gạo thế giới quay trở lại mức cao kỷ lục. Ông Yap nói: “Chúng ta đang tiến rất gần tới một cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2008”.

Xóa bỏ thuế nhập khẩu

Ông Mohanty nhận định: “Hai nước này sẽ vượt qua khó khăn mà không cần nhập khẩu. Nhưng nếu xảy ra những rủi ro mới, như hạn hán chẳng hạn, kể cả là vào năm tới, thì họ bắt buộc sẽ phải nhập khẩu”.

Theo một nguồn tin, cơ quan thuế quan của Ấn Độ đã xoá bỏ thuế nhập khẩu gạo 70%, áp dụng cho tới tháng 9/2010, để đẩy tăng lượng cung trong nước sau khi mất mùa. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Thương mại và Bộ Hải quan Ấn Độ cho biết họ chưa nhận được thông báo nào về quyết định này.

Việc Ấn Độ trở lại nhập khẩu gạo sẽ đẩy giá gạo xuất khẩu của Thái lan tăng lên. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan được dùng tham khảo cho thị trường gạo khu vực.

Gạo 100% B của Thái hiện ở mức 252 USD/tấn. Hồi tháng 5/2008, loại gạo này đã lập kỷ lục về giá khi ở mức 1.038 USD/tấn.

Theo ông Mohanty, Thái Lan không vội vã bán hết gạo vào lúc này vì xu hướng giá gạo Thái đang giảm và triển vọng sẽ tăng lên.

Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Porntiva Nakasai, Chính phủ Thái lan đặt mục tiêu xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo theo chương trình bán gạo liên Chính phủ vào năm tới.

Ông Porntiva cho biết: “Nhu cầu từ Ấn Độ và Philippine sẽ đẩy tăng xuất khẩu .

“Dự trữ còn nhiều”

Theo ông Atul Chaturvedi, chủ tịch công ty Adani Enterprises Ltd., công ty tư nhân kinh doanh nông sản lớn nhất của Ấn Độ, “Ấn Độ có lượng dự trữ gạo lớn và không cần nhập khẩu”, và “quyết định xoá bỏ thuế nhập khẩu chỉ là một bước đi thận trọng”.

Sản lượng gạo ở Urugoay, Brazil và Áchentina, ba nước sản xuất lớn nhất Nam Mỹ, chắc chắn sẽ giảm 5% trong năm 2009/10 sau khi hạn hán gần đây, ông Bruno Lanfranco, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Urugoay cho biết.

Theo ông, Brazil sẽ tăng nhập khẩu gạo lên 900.000 tấn trong năm 2009/10, so với 800.000 tấn năm trước.

(Vinanet)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Xuất khẩu vào Trung Đông : Cơ hội trong tầm tay
  • Gạo Việt Nam, Thái Lan đủ bù đắp thiếu hụt lương thực
  • Đồ chơi trẻ em :Thà tốn một lần mà chơi được bền
  • Bàn cách đưa hàng Việt vào Mỹ
  • Thị trường thịt: cơ hội cho doanh nghiệp trong nước
  • Tình hình sản xuất, tiêu thụ ôtô trong nước và dự báo những tháng cuối năm
  • Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu
  • Mức thuế tiêu thụ đặc biệt nào cho xe sạch nhập khẩu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com