![]() |
Cá tra Việt Nam đang gặp khó ở thị trường Mỹ Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra thông báo về kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra với mức thuế suất cao phi lý khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo lắng. Một số nỗ lực được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) triển khai, nhưng vẫn đang gặp khó.
Phi lý! Thuế mà phía Mỹ áp được tính theo đơn vị tiền tệ/ki lô gam. Trước đây, mức thuế cao nhất được gọi là thuế chung cho toàn quốc (thuế nation-wide), áp dụng cho các doanh nghiệp chưa có mức thuế riêng biệt quy ra là khoảng 63%. Nhưng với thông báo mới đây của DOC, tính ra một số doanh nghiệp phải chịu mức thuế riêng biệt khoảng 130%. Một số Công ty như Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), Agifish (An Giang)... phải chịu thuế đến 4,22 đô la Mỹ/ki lô gam. Còn các doanh nghiệp chưa có mức thuế riêng biệt, phải chịu tiền thuế 2,11 đô la Mỹ/ki lô gam. Mức thuế mới, thậm chí cao hơn cả giá thành sản xuất. Điều phi lý đầu tiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, là theo nguyên tắc, thuế nation-wide luôn cao hơn mức thuế riêng biệt của các doanh nghiệp đã được xem xét trong vụ kiện chống bán phá giá, nhưng giờ DOC lại áp dụng ngược lại. Như vậy, tính ra nếu nhập cá tra vào Mỹ, giá bán lẻ có thể lên đến 8 đô la Mỹ/ki lô gam và đây là một thách thức thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam khi sản phẩm tiêu thụ có giá quá cao! Điều phi lý tiếp theo là DOC lấy các giá trị thay thế từ Philippines thay vì Bangladesh như trước đây. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu, nếu căn cứ theo giá nuôi của Bangladesh, giá thành chưa tới 1 đô la Mỹ/ki lô gam. Trong khi đó, Philippines chỉ đạt sản lượng nuôi vào khoảng 12-13 tấn mỗi vụ, với quy mô xem như thử nghiệm, nên giá thành lên đến 2,5 đô la Mỹ/ki lô gam. Nếu căn cứ theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam xem như đã bán phá giá cá tra biên độ lớn vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp còn lo lắng, nếu DOC đã xem xét hành chính lần 6 như vậy, không loại trừ sẽ có lần 7, lần 8... và kết quả sẽ càng khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. VASEP đã có thông cáo phản đối DOC lấy các giá trị thay thế từ một quốc gia có sản lượng cá quá nhỏ. VASEP cùng các doanh nghiệp cũng đang thu thập, cung cấp cho DOC những thông tin liên quan đến giá trị thay thế, nhằm thuyết phục trước khi có quyết định cuối cùng. Đồng thời, phía Việt Nam cũng đã kiện lên WTO về việc Mỹ vi phạm các quy định trong Hiệp định Chống bán phá giá (ADA) đối với con tôm và dự kiến, trong tháng 10 các phía sẽ “gặp nhau” tại Geneva (Thụy Sỹ). Khó xoay chuyển? Chuyện kiện Mỹ xung quanh vấn đề áp thuế cho con tôm nhập khẩu, trước đây khoảng hai năm, Thái Lan và Ấn Độ đã thành công. Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hiện nay Mỹ vẫn áp dụng trở lại mức thuế được cho là phi lý với con tôm Thái Lan và Ấn Độ, tức WTO đã ra phán quyết nhưng vài năm sau phía Mỹ vẫn không tuân theo. Trong trường hợp này, Thái Lan và Ấn Độ có thể báo cáo đến WTO và Ban Hội thẩm sẽ ghi nhận. Và nếu sau đó, Thái Lan và Ấn Độ trả đũa bằng cách áp dụng những biện pháp hạn chế hàng Mỹ nhập vào nước mình, xem như không vi phạm luật. Nhưng liệu Thái Lan và Ấn Độ có dám “cứng” như vậy với một cường quốc như Mỹ? Đây là thông tin mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc, nếu quá kỳ vọng vào vụ kiện. Và việc DOC ra thông báo về kết quả sơ bộ lần này, có thể nói không nằm ngoài chính sách của Chính quyền Mỹ hiện giờ, là nỗ lực đem công ăn việc làm trở lại cho người Mỹ. Cụ thể ở đây là bảo vệ những nhà sản xuất và chế biến cá nheo của Mỹ. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khoảng một tháng trước, đề xuất DOC đưa ra có 14 điểm quan trọng trong gói thực thi về thương mại, và một số nước chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, khi xem xét về thuế chống bán phá giá, DOC có thể tự chọn những bị đơn bắt buộc ngẫu nhiên, và nếu đó là những doanh nghiệp nhỏ, không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ ảnh hưởng chung đến quyền lợi của tất cả các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, thuế phá giá dự kiến có thể tính theo biên phá giá, cộng thêm cước phí tàu. Đồng thời, việc bỏ lệnh áp thuế chống phá giá đối với một sản phẩm nào đó cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều... Trong khi đó, theo giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, với tình hình này, nếu Nhà nước càng nhúng tay can thiệp lại càng bất lợi cho doanh nghiệp, bởi Mỹ đang xem xét cả sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. “Tình hình đang rất bi quan”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói vậy. Dù thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% trong kim ngạch cá tra xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây được xem là thị trường đầy hứa hẹn và tiềm năng. Cá tra cũng vừa được xếp trong mười mặt hàng thủy sản được ưa thích nhất trong năm 2009 tại Mỹ... Mọi chuyện chỉ còn trông chờ vào những nỗ lực của VASEP cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong gần ba tháng còn lại. Cùng với nỗ lực thuyết phục, phản biện DOC của các doanh nghiệp Việt Nam, còn cần thêm tiếng nói từ các nhà nhập khẩu cá tra cũng như người tiêu dùng Mỹ, những người cũng bị ảnh hưởng về quyền lợi trong phán quyết của DOC.
(Theo Hồ Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com