![]() |
Các siêu thị cần đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình bình ổn thị trường |
“Hai địa phương quan trọng là Hà Nội và TP.HCM sẽ có báo cáo chi tiết với Phó thủ tướng. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép, xăng dầu… cũng có báo cáo về những vấn đề liên quan”, bà Thoa thông báo .
Vấn đề chuẩn bị hàng hóa trong dịp cuối năm tại Hà Nội đang được “tập dượt” tại thời điểm này, khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức. Tại cuộc giao ban nói trên, đại diện Sở Công thương Hà Nội đã thông báo rằng, trong thời gian tổ chức Đại lễ, với số lượng khách tới Hà Nội rất lớn và nhu cầu thị trường tăng đột biến, song do hàng hóa đã được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, việc rau xanh tăng giá trong thời gian qua chỉ là hiện tượng cục bộ và sẽ sớm được giải quyết.
Còn ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, kinh nghiệm dự trữ hàng hóa bình ổn vào dịp cuối năm trong những năm qua sẽ giúp cho địa phương này xử lý được vấn đề giá hàng hoá của năm nay. Các phương án chuẩn bị nguồn vốn phân bổ về DN chuẩn bị hàng hóa cũng như việc đôn đốc kiểm tra của cơ quan chức năng sẽ được thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ dành 120 tỷ đồng cho dự trữ hàng Tết và nguồn tiền này sẽ được giao cho 14 DN trên địa bàn chuẩn bị hàng hóa dự trữ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước theo sát tình hình mưa lũ đang diễn ra tại khu vực miền Trung để có phương án chuẩn bị hàng hóa cho phù hợp.
Từ nay đến cuối năm, trước biến động phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, nguy cơ tăng giá tiêu dùng là khó tránh khỏi. Do đó, các địa phương cần lưu ý tới những biện pháp bình ổn giá nhằm giữ thị trường ổn định.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, liên quan tới việc đưa hàng hóa sản xuất trong nước về khu vực nông thôn, góp phần đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt và bình ổn thị trường quan trọng này, Bộ Công thương và Liên minh các HTX Việt Nam đã bắt đầu thực hiện một đề án phối hợp nhằm phát triển thị trường khu vực nông thôn. “Các HTX sẽ làm đại lý sản phẩm cho các DN trong nước, là đầu mối thu mua sản phẩm của người dân địa phương và cũng là những tổ chức cung cấp các dịch vụ”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Bà Thoa nhận xét, trong tháng 9 vừa qua, đã có những địa phương để chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh hơn thông lệ. Theo đó, bên cạnh Hà Nội và TP.HCM có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Khánh Hòa cũng là điểm “nóng mới nổi”. Chính vì vậy, các địa phương cần nỗ lực kiềm chế giá nhằm góp phần bình ổn thị trường chung của cả nước.
Thời gian tới, trong số các mặt hàng thiết yếu, tác động mạnh tới biến động giá cả thị trường, phân bón là mặt hàng được “nhận diện” có nguy cơ tăng giá, đẩy thị trường “nóng” hơn. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính là do một số loại phân bón trong nước sản xuất không đủ, nên phải nhập khẩu. Cơ quan chức năng lo ngại, nếu không có biện pháp xử lý tốt, thì mặt hàng này sẽ tạo ra sức nóng, góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Một trong những kinh nghiệm được nêu ra tại cuộc họp giao ban đầu tuần của Bộ Công thương là, các địa phương, DN phải đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình bình ổn thị trường. “Vấn đề là công tác truyền thông cần được làm tốt để người dân biết được ở đâu có bán những mặt hàng gì một cách chi tiết, biết được lượng hàng hóa dồi dào để không bị xáo trộn tâm lý, tác động tới biến động giá cả trên thị trường”, bà Thoa lưu ý.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com