Với hệ thống chợ truyền thống - một trong những khu vực khó kiểm soát giá cả hàng hoá nhất, cơ quan quản lý sẽ lưu tâm hơn nữa. Ảnh: Chí Cường |
Còn theo lý giải của ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương, việc tăng giá điện năm 2010 được xem xét kỹ lưỡng để giảm thiểu tác động đến sản xuất, đời sống nhân dân và nền kinh tế nói chung. Cụ thể, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm nay bằng khoảng 0,3% GDP. Do tăng giá điện, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ giảm khoảng 0,34% và trực tiếp làm CPI tăng thêm 0,2 - 0,27%.
“Giá điện cho sản xuất tăng 6,3%, thì các ngành sản xuất phải trả thêm 2.630 tỷ đồng tiền điện - chỉ bằng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca, với chi phí tiền điện cao như cấp nước, điện phân..., giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm 2,83 - 3,15%; các ngành cán thép, xi măng, giá thành sẽ tăng thêm 0,2 - 0,69%. Xét chung, chi phí tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành, nên không ảnh hưởng nhiều tới khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu”, ông Hào phân tích.
Tuy nhiên, những lần tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào quan trọng của nền sản xuất thời gian qua đã cho thấy, mỗi đợt tăng giá than, điện, xăng dầu... đều kéo theo tăng giá các sản phẩm khác trên thị trường, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Do đó, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết, để giữ ổn định thị trường trước việc tăng giá điện, một loạt biện pháp sẽ được cơ quan quản lý áp dụng trong thời gian tới.
“Cơ quan quản lý sẽ theo dõi khu vực sản xuất và tiêu dùng một cách kỹ lưỡng. Nếu trong khu vực sản xuất có biến động lớn, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, thì cơ quan quản lý sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thị trường để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng tăng giá điện để tăng giá hàng hoá một cách vô lý”, ông Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), việc tăng giá điện lần này cũng sẽ tiếp tục đặt doanh nghiệp vào thế phải rà soát lại quá trình sản xuất để tính toán các yếu tố đầu vào một cách hợp lý nhất, nhằm tiết giảm chi phí và tạo ra các sản phẩm cạnh tranh. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các Sở Tài chính tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện như yếu tố đầu vào của sản xuất tại các doanh nghiệp lớn để xét tính hợp lý của giá sản phẩm thông qua đăng ký giá.
“Với hệ thống chợ truyền thống - một trong những khu vực khó kiểm soát giá cả hàng hoá nhất, cơ quan quản lý sẽ lưu tâm hơn nữa. Bộ Công thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tình hình tại các chợ nhằm phát hiện những yếu tố làm tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý. Vấn đề điều tiết cung - cầu hàng hoá trên thị trường cũng sẽ được quan tâm hơn để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện lần này”, ông Thoả cho biết.
Nhìn chung, theo phân tích của Bộ Công thương và Bộ Tài chính, tác động vòng 1 của việc tăng giá điện tới sản xuất và giá cả hàng hoá là không lớn, trong khi tác động từ vòng 2, vòng 3 sẽ phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý thị trường. Đây sẽ là thời điểm mà cơ quan chức năng sẽ “căng sức” để giữ ổn định giá cả thị trường trong bối cảnh nguy cơ lạm phát đang hiện hữu.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com