Du lịch là một trong những ngành có triển vọng phát triển và mở rộng. Ảnh: Linh Tâm |
Sau khi hồi phục nhẹ vào tháng 7, tăng trưởng xuất khẩu (XK) của hầu hết các mặt hàng trong tháng 8 lại giảm, hoặc giậm chân tại chỗ, khiến kim ngạch (KN) XK 8 tháng đầu năm tiếp tục đà "tụt dốc".
4 tháng còn lại, KNXK phải đạt 27,31 tỷ USD (trung bình khoảng 6,83 tỷ USD/tháng) thì mới hoàn thành kế hoạch năm. Bộ Công thương nhận định, trong điều kiện hiện tại rất khó đạt được mục tiêu trên. Vì vậy, một trong những giải pháp là phải thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ để bù thiếu hụt về XK.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ổn định
Từ đầu năm đến nay, do chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều DN tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng... nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm ước đạt 742,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, khu vực thương nghiệp đạt 581,6 nghìn tỷ đồng (tăng 18,7%); khu vực khách sạn, nhà hàng đạt 84,2 nghìn tỷ đồng (tăng 16%); khu vực du lịch đạt 7,3 nghìn tỷ đồng (tăng 16,6%); khu vực dịch vụ đạt 69,4 nghìn tỷ đồng (tăng 19%). TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 22,9% và 12,8%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi, từ nay đến cuối năm các ngành dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm từ đầu năm đến nay. Bộ KH-ĐT dự báo, năm 2009 tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ có thể đạt 6,3-6,7%. Trong đó, ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 20% so với năm 2008, do sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của người dân tăng lên. Ngành bưu chính viễn thông cũng có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao do Việt Nam có sức cầu lớn, các dịch vụ ngày càng phong phú để thu hút khách hàng. Riêng ngành du lịch, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế và dịch bệnh lan rộng, nhưng với nỗ lực của ngành thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, các chương trình quảng bá du lịch trong những tháng cuối năm, khả năng lượng khách quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng. Xét cả quá trình dài hạn, ngành dịch vụ cũng được nhìn nhận có triển vọng phát triển ổn định, đóng góp vững chắc cho nền kinh tế.
Phải tăng trưởng trong cạnh tranh
Kinh nghiệm cho thấy, ở những nước phát triển, khu vực dịch vụ thường chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế (đạt hơn 50%), vì chi tiêu của người dân cho các hàng hóa dịch vụ cao hơn nhiều so với hàng hóa thông thường khác. Ở nước ta, mục tiêu ngành dịch vụ đến năm 2010 đạt tỷ trọng ở mức 41-42% trong nền kinh tế. Thống kê 10 năm trở lại đây cho thấy, tỷ trọng giá trị ngành dịch vụ dao động 35-39%, đặc biệt tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế, cũng là khác biệt so với xu thế thế giới.
Tuy Việt Nam có tỷ trọng khu vực dịch vụ khá cao trong GDP, nhưng khác hẳn với các nước công nghiệp, các ngành có tỷ trọng lớn nhất không phải là khu vực dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, mà là các dịch vụ giá trị gia tăng thấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân khiến khu vực này chậm phát triển là vốn đầu tư và chính sách của Nhà nước vẫn còn tập trung vào một số ngành dịch vụ truyền thống. Hiện mức đầu tư cho các ngành dịch vụ quan trọng như tài chính và tín dụng, khoa học và công nghệ còn thấp. Ngành vận tải và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác tuy tốc độ đầu tư liên tục tăng, vượt mục tiêu cho kỳ kế hoạch 2006-2010 từ năm 2007, nhưng quy mô và chất lượng của dịch vụ giao thông vận tải vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông vẫn là một trong 3 "nút cổ chai" chủ yếu đối với tăng trưởng cao và bền vững trong nền kinh tế nước ta. Ngành du lịch được xem là mũi nhọn của nền kinh tế nhờ được thiên nhiên ban cho tài nguyên du lịch phong phú song vẫn còn nhiều điểm yếu, như chưa có chiến lược dài hạn, nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu lại chưa chuyên nghiệp...
Theo lộ trình thực hiện cam kết WTO, nhiều ngành dịch vụ (tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán...) sẽ được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một tin vui với các DN, người tiêu dùng trong nước, nhưng lại là mối quan ngại lớn do sẽ phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên "sân nhà". Tuy nhiên, việc mở cửa ngành dịch vụ cũng có sức lan tỏa tích cực vớicác DN trong ngành thông qua việc thúc đẩy cạnh tranh, buộc các DN tự cải cách tăng trưởng năng lực cạnh tranh; tiếp thu công nghệ và các kỹ năng quản lý tiên tiến, làm quen và áp dụng các chuẩn mực quốc tế; mở rộng và phát triển các yếu tố thị trường dịch vụ.
(Theo THANH MAI // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com