Sự điều chỉnh chính sách nhập khẩu của một số quốc gia, đà phục hồi kinh tế thế giới và sản lượng giảm tại các quốc gia xuất khẩu sẽ tạo nên những tín hiệu tốt cho xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 331.00 tấn |
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8/2009, giá cao su xuất khẩu có xu hướng tăng trung bình 150 USD/tấn (so với tháng 1/2009, giá cao su xuất khẩu đã tăng 350 USD/tấn) đối với hầu hết các chủng loại, mức giá bình quân đạt 1.650 USD/tấn, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 331.00 tấn, trị giá 450 triệu USD, tăng 4,7% về lượng, nhưng giảm 43,2% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, điểm khác biệt lớn nhất của mặt hàng cao su trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu là không bị ảnh hưởng đáng kể từ các hoạt động bảo hộ mậu dịch của các thị trường nhập khẩu, vì vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm là do thị trường bị thu hẹp bởi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế.
Trong 7 tháng, với khối lượng trên 200.000 tấn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chiếm trên 70% tổng lượng cao su của Việt Nam, mặc dù lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này có mức tăng tới gần 10% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng giảm tới 39% về giá trị. VRA cho rằng, việc Trung Quốc khôi phục lại các xưởng chế biến cao su hỗn hợp (mặt hàng Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu và có nhu cầu lớn), đã khiến cho giá cao su tăng đáng kể.
Theo VRA, mặc dù trong 7 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường suy giảm đáng kể (như Nga giảm trên 40%, Đức giảm 36%... ), song những dự báo về khả năng phục hồi của nền sản xuất công nghiệp thế giới trong những tháng cuối năm, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này.
Đến thời điểm này, ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (tổng sản lượng cao su của 3 nước này đạt 7 triệu tấn/năm) đã giảm 6,2% sản lượng khai thác, khiến cho tổng nguồn cung cao su thế giới năm 2009 chỉ đạt trên 9,3 triệu tấn (so với 10 triệu tấn năm 2008). Đồng thời, 3 nước này đã hoàn thành trên 60% kế hoạch giảm xuất khẩu trong năm 2009 với khối lượng trên nửa triệu tấn trong 7 tháng đầu năm, dự kiến mức giảm cả năm là 900.000 tấn.
Trong 7 tháng, sản lượng thu hoạch của hầu hết các nước sản xuất cao su đều giảm mạnh, trong đó Thái Lan giảm 18% so với cùng kỳ, Indonesia giảm 6%, Malaysia giảm 24,5%..., trong khi nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới có tín hiệu tăng trở lại. Một chuyên gia về ngành hàng cao su thuộc Bộ NN&PTNT phân tích, có 3 yếu tố góp phần làm cao su tăng giá. Thứ nhất, giá dầu thế giới hiện ở mức trên dưới 70 USD/thùng và dự báo sẽ có thể tiếp tục tăng, giá dầu tăng, góp phần kéo giá cao su đi lên.
Thứ hai, theo dự báo, ngành công nghiệp ô tô Mỹ có thể tăng 15% trong thời gian từ nửa cuối 2009 đến năm 2010, như vậy, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cao su sẽ không dừng lại ở con số 6 triệu tấn như tính toán đã được đưa ra trước đây về nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới của năm 2009.
Thứ ba, các số liệu cho thấy, kinh tế toàn cầu đã ra khỏi đáy suy thoái và đang trên đà phục hồi, đây là lý do khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh gom hàng, đón trước nhu cầu. Biểu hiện rõ ràng nhất là, giá cao su giao dịch trên thị trường thế giới những ngày gần đây liên tục có mức tăng cao...
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com