![]()
Trên 1,5 vạn lượt người mỗi ngày đã tham gia Chương trình Tuần hàng VN tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng, doanh số bình quân 700 triệu VND/ngày đã chứng minh: Muốn thắng trên sân nhà hàng Việt phải tạo niềm tin đối với người tiêu dùng |
“Cần phân biệt giữa tin dùng, và chấp nhận dùng” – đó là quan điểm một nhà kinh doanh bán lẻ nói về khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa của hàng hóa VN sản xuất.
Nhận xét ấy rất thực tế, vì nó được “phát ngôn” bởi một nhà bán lẻ. Nghĩa là người thường xuyên tiếp cận và có quyền lợi gắn chặt, trực tiếp..., với mọi lựa chọn của người tiêu dùng. Thay vì chỉ tiếp cận với thị trường qua tin đồn, hoặc qua báo cáo.
Thế nào là tin dùng ?
Một thị trường, dù ở dạng sơ khai nhất, ở bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, đều có sự phân biệt thứ hạng trong từng dòng sản phẩm, thể hiện cụ thể bằng thương hiệu của sản phẩm này đáng tin cậy, sang trọng, hoặc bền tốt, giá rẻ... hơn hẳn những sản phẩm cùng loại. Vải lụa Hà Đông, đồ gỗ Đồng Kỵ, bạc Đồng Xâm... đều là những thương hiệu truyền thống đã được kiểm chứng dạng như vậy. Những sản phẩm có xuất xứ từ những địa danh này mặc nhiên được tin tưởng, đã đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng.
Thị trường thời hiện đại có đặc trưng đa dạng về nhà sản xuất, đa dạng về hệ thống sản phẩm, giá cả, chất lượng, nhu cầu của người tiêu dùng... Kèm với đặc trưng ấy, việc xây dựng, và việc duy trì uy tín thương hiệu đã trở thành một bộ môn khoa học thực thụ, ngày càng đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với nhà sản xuất, cũng như nhà phát hành. Nếu hiểu thương hiệu là tên sản phẩm hoặc tên Cty, thì khoa học về thương hiệu là hệ thống phương pháp, biện pháp làm cho tên sản phẩm hoặc Cty ấy trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng, khách hàng tán thưởng, tín nhiệm... Khoa học về thương hiệu có đầy đủ hệ thống tiêu chí phân loại, quy luật, giáo trình lý thuyết và áp dụng thực tế... Thực tiễn hoạt động, giá trị thương mại của các thương hiệu sản phẩm là thước đo rõ ràng nhất thể hiện sự phát triển của sản phẩm ấy, nhà sản xuất ấy, và rộng hơn là thị trường ấy.
Hiện tượng hàng Việt thua ngay trên sân nhà là vì hàng Việt chưa nhận được sự tin dùng của người Việt. Chưa tin dùng vì hàng VN sản xuất đang thiếu sức thuyết phục cả về cơ cấu, chất lượng sản phẩm, hệ thống tiếp thị và vì thế thiếu cả uy tín thương hiệu trên thị trường. Muốn người Việt tin dùng thì trước tiên hàng Việt phải khắc phục được hạn chế này. |
Phải dài dòng như vậy, để có thể quay về nhanh nhất với thực tế thị trường nội địa của VN – thị trường từ lâu đã luôn tồn tại lời nhắc nhở với nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Rằng, phải chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do trong nước sản xuất. Đặc biệt, đến thời gian gần đây, một cuộc vận động với quy mô quốc gia đã được tổ chức với khẩu hiệu: Người VN ưu tiên dùng hàng VN. Và câu hỏi giản dị đặt ra từ khẩu hiệu ấy, là tại sao hàng VN lại cần phải được... ưu tiên, để có chỗ đứng trên thị trường nội địa ?
Đừng vội kết luận, rằng hàng Việt không cạnh tranh được với hàng ngoại, vì hàng ngoại nhập lậu, hàng ngoại giá rẻ hơn, mẫu mã hấp dẫn, thay đổi nhanh hơn, đa dạng hơn... Mà hãy bắt đầu từ những tiền đề cơ bản nhất liên quan tới sức sống của một sản phẩm tiêu dùng trên thị trường. Hãy đặt câu hỏi, rằng tại sao dù không khác biệt quá lớn về thành phần, nhưng bột giặt mang thương hiệu của các hãng nước ngoài giá đắt hơn hẳn, lại bán chạy hơn bột giặt của các hãng trong nước sản xuất có giá rẻ hơn ? Tại sao bột giặt Trung Quốc, Thái Lan lại không “chen chân” được vào thị trường bột giặt VN, dù giá rẻ hơn hẳn ? Tại sao tivi, máy giặt, tủ lạnh... Trung Quốc tính năng, chất lượng phù hợp và giá rẻ, nhập lậu rất nhiều..., lại không “đấu” được với tivi trong nước sản xuất dán thương hiệu nổi tiếng nước ngoài có giá cao hơn ? Và cũng có thể hỏi rằng, tại sao đa số hàng tiêu dùng VN sản xuất lại không có “cửa” xuất khẩu chính thức, cũng như... xuất lậu, vào thị trường các nước như Thái Lan, Trung Quốc..., giống như cách mà hàng hóa các nước này đã vào được thị trường VN ?
Hỏi thế, để thấy, được người tiêu dùng lựa chọn rất nhiều tiêu chí để quyết định mua sản phẩm. Mà trong đó, tiêu chí thương hiệu đã được kiểm chứng, được tín nhiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người tiêu dùng đã tin tưởng các thương hiệu như OMO, LG, SAMSUNG... thì họ sẽ chọn các sản phẩm có thương hiệu ấy, dù giá có cao hơn sản phẩm cùng loại khác. Có nghĩa, hiện tượng hàng Việt thua ngay trên sân nhà là vì hàng Việt chưa nhận được sự tin dùng của người Việt. Chưa tin dùng vì hàng VN sản xuất đang thiếu sức thuyết phục cả về cơ cấu, chất lượng sản phẩm, hệ thống tiếp thị và vì thế thiếu cả uy tín thương hiệu trên thị trường. Và muốn người Việt tin dùng thì trước tiên hàng Việt phải khắc phục được hạn chế này, trước khi tìm cách giải thích những yếu kém tự thân bằng cách viện tới lý do từ những sản phẩm ngoại nhập.
Chuyện từ một hội chợ !
Chương trình Tuần hàng VN tổ chức tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng trung tuần tháng 8/2009 có rất nhiều điều khiến các nhà quản lý, DN phải suy ngẫm. Trước tiên, là sự háo hức cao độ của người dân nông thôn với sự kiện thương mại này - ở đây là Chương trình Tuần hàng VN tổ chức theo kiểu hội chợ. Nhà tổ chức - Cty CP ACS VN – ước tính đã có hơn 15.000 lượt người dân tham gia một sự kiện cấp xã này mỗi ngày. Số lượt người tham gia đông vượt dự tính của nhà tổ chức. Doanh số bán hàng trong chương trình của 30 DN trong hội chợ đã vượt mức 700 triệu VND/ngày. Và đó là lý do để DN này tự tin quyết định sẽ nhanh chóng tổ chức thêm một loạt chương trình kiểu này tại các xã khác của Hải Phòng. Nhưng một trong những DN tham gia – Siêu thị Intimex Hải Phòng – thì rất thận trọng trước háo hức của bà con. Đại diện siêu thị này kể, có bà con ngắm nghía một chồng bát sứ, và hỏi: có phải hàng... Trung Quốc không ? Sau khi được giải thích, rằng đây là sản phẩm sứ an toàn trong nước sản xuất, hàm lượng chì trong cấu tạo rất thấp, giá cũng chỉ khoảng hơn 100.000 VND/bộ, thì bà con lại “nhận xét”: Rằng, hàng này chỉ để... bày tủ là đẹp, đem dùng thì... đắt quá! Đến ngày kết thúc, khi DN đã dỡ lều thu dọn, thì vẫn có bà con phàn nàn, là “mới được có mấy hôm mà đã... dọn”.
Những mẩu chuyện vụ vặt ấy cho thấy thực tế, nói thị trường nông thôn “chuộng” hàng nhập lậu, chất lượng không rõ ràng, làm cho hàng nội khó vào là... không chính xác. Vì nếu người dân chuộng hàng ngoại, làm sao có chuyện người tham gia hội chợ tại xã Tú Sơn đông vượt dự kiến, và mức doanh số cũng trên mức 700 triệu VND/ngày, nghĩa là bình quân trên 46.000 VND/người/ngày – vượt xa mức thu nhập bình quân của bà con nông dân? Cũng theo báo cáo của đơn vị tổ chức, thì các mặt hàng bán tốt tại hội chợ này là hàng thiết yếu phục vụ dân sinh như: quần, áo, giày, dép, thực phẩm, đồ trang trí nội thất, đồ dùng gia đình... Trừ hàng thực phẩm, những mặt hàng còn lại đều có sự cạnh tranh giữa hàng nhập lậu và hàng trong nước sản xuất ngay tại các đô thị, chứ chưa nói tới thị trường nông thôn.
Cần nói rõ, là những gì thể hiện tại Chương trình Tuần hàng VN tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy của Hải Phòng không là ngoại lệ, hay trường hợp đặc biệt. Vì đã từng thể hiện trong các chợ hàng VN tại An Giang với hơn 10 DN tham gia, tổ chức trong một buổi sáng đã có doanh số đạt hơn 100 triệu VND. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, hai phiên chợ tương tự được tổ chức trong thời gian một ngày đã có doanh số hơn 750 triệu VND, ở Trà Vinh là gần 800 triệu VND... Và điều này lại dẫn tới một kết luận khác, là thực chất, hàng VN sản xuất chưa “về” nhiều với thị trường nông thôn. Nhiều được hiểu theo nghĩa là đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả. Tức là, bà con nông dân không quay lưng với hàng Việt, mà ngược lại, sự lơ là của các DN nội với thị trường nông thôn đã buộc bà con phải chấp nhận dùng hàng nhập lậu, giá rẻ, chất lượng không rõ ràng. Mặt khác, sự lơ là với thị trường nông thôn cũng là nguyên nhân chính làm các sản phẩm trong nước chưa “gần” được với nhu cầu của người nông dân...
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói rằng: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ là tổ chức việc bán lưu động các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có mẫu mã, giá cả phù hợp với người tiêu dùng nông thôn. Mà còn là chương trình có tính dài hơi, nhằm tích hợp mạng lưới bán lẻ tại các chợ nông thôn vào hệ thống bán hàng của các DN Việt. Từ đó duy trì sự có mặt lâu dài bền vững của hàng VN ở nông thôn. Đó, có thể xem như định hướng mới và... không mới trong định hướng phát triển hàng do VN sản xuất.
Mới, là vì việc đưa hàng về nông thôn đã được định hình, dù chỉ là ý tưởng, bằng phương pháp bán hàng chuyên nghiệp, cụ thể: gắn sự phát triển mạng lưới bán lẻ tại nông thôn với hệ thống bán hàng của DN nội, thay vì phó mặc cho dân buôn như trước. Còn không mới, là vì sau mấy chục năm phát triển theo định hướng thị trường, với không ít lời hô hào, kêu gọi, thì giờ thị trường nông thôn mới được nhìn nhận đúng với vị trí, quy mô của nó – nghĩa là thị trường rộng lớn, hấp dẫn, nơi phục vụ trên 70% dân số VN.
“Người lạ” !
Trước cửa siêu thị Big C Hải Phòng có một tấm biển, nội dung vô cùng nghiêm túc, kêu gọi người VN ưu tiên dùng hàng VN sản xuất. Seung Lee - một doanh nhân Hàn Quốc tại Hải Phòng - đang chăm chú nhìn tấm biển. Lee nói bằng thứ tiếng Việt bập bẹ của mình, rằng ông không hiểu chương trình kêu gọi người Việt dùng hàng Việt được tổ chức thế nào. Nhưng muốn nó thành công, thì không chỉ kêu gọi là đủ. Ở Hàn Quốc – tổ quốc của Lee – việc dùng hàng nội sản xuất đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, vì đã được giáo dục suốt từ nhỏ tới lớn. Con của Lee đã mang một hộp bút từ VN về nước để bước vào năm học mới. Cô bé đã bỏ không dùng những chiếc bút ấy, khi được giáo viên hỏi: Tại sao không dùng bút trong nước (Hàn Quốc) sản xuất, mà lại dùng bút ngoại ? Còn ở Cty của Lee tại Hải Phòng, mọi máy móc, thiết bị, từ điều hòa, máy tính, bàn, ghế... đều là hàng mang từ Hàn Quốc sang. Không riêng gì Cty của Lee, mà gần như tất cả những DN đến VN từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều chỉ sử dụng hàng hóa do nước họ sản xuất tại Cty. Và đó là khác biệt rất lớn về văn hóa tiêu dùng đối với người VN.
Với mỗi người VN, có cách hiểu dường như cũng đã thành tiềm thức, hàng hóa tốt luôn là hàng ngoại nhập. Theo dòng lịch sử, quan niệm về hàng hóa chất lượng tốt đã vận động từ xe đạp Phượng Hoàng, chăn bông Trung Quốc sang mini, tivi, loa đài... Nhật, xe máy Nhật, Thái Lan, chăn Hàn Quốc... Và vì thế, hàng hóa do VN sản xuất mặc nhiên phải cạnh tranh, phải chứng minh giá trị của mình trong cảnh “người lạ” ngay trên sân nhà – thị trường trong nước. Còn tại thị trường xuất khẩu – thị trường từ lâu đã được Nhà nước khuyến khích DN tập trung cho nó – thì hàng VN chủ yếu là hàng gia công, thực phẩm được bán thông qua các hãng bán lẻ của nước xuất khẩu. Câu chuyện xây dựng thương hiệu sản phẩm với mỗi DN, rộng hơn là với cả quốc gia, do vậy, đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, đằng sau mối lo thường trực, duy trì sản xuất với những hợp đồng ngắn hạn, hoặc phân khúc thị trường hẹp.
(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com