Hơn 70% dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn. Khu vực này cũng chiếm 62,5% tổng GDP cả nước, với số lượng khách hàng sẵn sàng mua sắm nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị. Một thị trường đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp trong nước gần như bỏ ngỏ.
Kín hàng Trung Quốc
Dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, tôi có dịp về Quảng Ngãi ăn tết. Điều làm tôi trăn trở, đó là dọc theo quốc lộ 24 có khá nhiều cửa hàng tạp hóa, nơi nào cũng đầy ăm ắp những sản phẩm của Massan Group (thương hiệu Chinsu); các loại thực phẩm chế biến của Nestlé; bột nêm và nước mắm Knorr; bột giặt Omo; dầu gội đầu, sữa tắm của các DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.
Tuyệt nhiên không có bất cứ một sản phẩm thuần Việt nào như Thuận Phát hay Liên Thành… Ở mặt hàng bánh kẹo ngoài sản phẩm của Kinh Đô, không thấy bánh của Bibica, Hải Hà, Hải Châu. Thay vào đó, bánh kẹo của Trung Quốc và của một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của TPHCM chiếm đại đa số thị trường. Còn với những mặt hàng chế biến sẵn của Agifish, Cầu Tre, Hạ Long thì có lục tung cả khu vực này cũng không thể tìm ra.
Bánh kẹo của một số công ty trong nước đã cạnh tranh được với các thương hiệu bánh kẹo nước ngoài tại các siêu thị. Ảnh: THÀNH TÂM |
Tại khu vực khu dân cư số 7 (thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), có tới 90% số hộ dân tại đây xài nước mắm Nam Ngư của Massan và khoảng hơn một nửa dùng bột nêm thay cho bột ngọt và muối.
Anh Trần Quốc Tú cho biết: “Nước mắm ở Quảng Ngãi làm theo dạng thủ công bán rất rẻ và cũng khá ngon, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/lít nhưng lại không có chai bằng thủy tinh, rất ngại sử dụng.
Mua nước mắm Chinsu dù đắt hơn nhưng hình thức lại đẹp hơn, màu sắc và mùi vị nước mắm rất bắt mắt. Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, thu nhập cũng tương đối nên tôi không quá hà tiện trong việc chi cho ăn uống”.
Bà Trương Lan Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Thuận Phát nhìn nhận, mặc dù Thuận Phát đã chiếm thị phần khá lớn tại TPHCM, một số mặt hàng như sa tế tôm, mắm nêm đã được tiêu thụ khá tốt tại Hà Nội nhưng để đưa hàng về các tỉnh thì cần phải tính toán lại. Theo bà Lan Anh, nguyên nhân chính là lực của Thuận Phát chưa đủ mạnh để xây dựng các kho trung chuyển, và nguồn nhân lực cho marketing cũng còn rất yếu.
Ngược ra phía Bắc, tại nhiều tỉnh như Bắc Kạn, Lào Cai, Bắc Giang, người ta có thể dễ dàng nhận thấy, hàng Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng và trái cây chiếm hơn 90% thị phần. Chị Đoàn Thị La, công nhân Công ty Đạm Hà Bắc (đã nghỉ hưu) cho biết, gần đây thông tin hàng Trung Quốc không đảm bảo chất lượng làm cho chúng tôi rất hoang mang. Thế nhưng, có đi cả tỉnh thì cũng không thể tìm đâu ra hàng Việt có mẫu mã đẹp và giá rẻ như hàng Trung Quốc.
Không riêng các tỉnh, ngay tại chợ An Đông – TPHCM, số lượng các quầy sạp kinh doanh hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… chiếm tỷ lệ rất lớn. Một tiểu thương (đề nghị giấu tên) cho biết, rất nhiều lần chị thử ủng hộ hàng Việt nhưng không làm được. Về giá, cùng một chiếc áo có mẫu mã, chất liệu giống nhau nhưng hàng lên tại VN luôn cao hơn từ 10% - 20%; về mẫu mã, mỗi tuần hàng Trung Quốc có thể tung ra từ 1 - 3 mẫu mới và bình quân một tháng họ có thể đưa ra hàng chục mẫu khác nhau. Cách họ bán hàng cũng rất linh động, cho gối đầu về vốn, có thể thu hồi lại hàng đã lỗi mốt…
Thuyết phục người Việt dùng hàng Việt
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc BSA cho biết, tại hội thảo “Đẩy mạnh bán hàng Việt trên thị trường nội địa” vào tháng 1-2009 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã yêu cầu CLB cần có một đề xuất cụ thể về chương trình cũng như kinh phí để xây dựng thành một chương trình hành động quy mô toàn quốc. Đây cũng là một phần của chương trình kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ.
Đề cương bao gồm 4 nội dung chính: tổ chức nghiên cứu thị trường về mạng lưới phân phối các ngành hàng, trước mắt tập trung cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thời trang và đồ gia dụng; tổ chức các hình thức, cơ hội quảng bá và bán hàng VN trên các vùng, miền, đặc biệt chú ý thị trường nông thôn; nâng cao khả năng tổ chức hệ thống phân phối của DN và phát triển nguồn lực chuyên nghiệp; tổ chức các chương trình truyền thông mạnh hơn về nỗ lực của DN, cổ vũ và thuyết phục người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Theo kế hoạch, chi phí để thực hiện chương trình vào khoảng 39 tỷ đồng. CLB hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Trở lại với chiến dịch bán hàng nông thôn, đây là chương trình do BSA thực hiện độc lập nên ngày 9-3-2009 tới đây, BSA sẽ tổ chức đợt bán hàng nông thôn đầu tiên ở An Giang, sau đó sẽ bán tại nhiều nơi. Đến tháng 5-2009 sẽ mở rộng mô hình hoạt động này cho tất cả các DNVN nào muốn tham gia. Tiếp đó, BSA sẽ hỗ trợ mạnh cho DN về tư vấn, huấn luyện, chỉnh sửa mô hình hoạt động, đúc kết kinh nghiệm và hỗ trợ truyền thông.
Để vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Bộ Công thương đã xác định năm 2009 là năm phải hướng mạnh vào việc khai thác thị trường nội địa. Trong đó điểm tựa là khu vực nông thôn – nơi đang chiếm hơn 70% dân số cả nước và hơn 70% lượng hàng hóa tiêu thụ. Để vực dậy khoảng trống này, ngay từ quý 4-2008, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) đã xây dựng chiến dịch bán hàng nông thôn nhằm đảm bảo và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DN CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao.
(Theo báo Sài Gòn online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com