Hội nhập kinh tế đồng nghĩa với hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ được dỡ bỏ dần theo lộ trình, thay vào đó là các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) được dựng lên. Đây là cách làm tất yếu để các quốc gia bảo vệ người tiêu dùng, sản xuất trong nước… TPHCM đã là đang làm gì để đạt được mục tiêu trên? Đây là nội dung chính của Hội nghị hoạt động TBT tại TPHCM ngày 6-3 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức.
Doanh nghiệp chưa chú trọng TBT
Theo ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM (TC-ĐL-CL), đến hết năm 2008, TPHCM có 1.700 DN, tổ chức đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến TBT, chiếm khoảng 30% so với số DN cả nước đã áp dụng. Con số này so với hàng trăm ngàn DN, tổ chức đang hoạt động, quả là còn quá nhỏ.
Đại diện Văn phòng TBT VN thừa nhận, mặc dù TBT đã có hiệu lực từ nhiều năm qua nhưng cho đến nay khái niệm TBT tại nhiều tổ chức, DN còn hiểu rất mờ nhạt, thậm chí ở cả cấp chỉ đạo, hoạch định vĩ mô.
Các văn phòng TBT ở tại các tỉnh, thành hoạt động chưa hiệu quả.
Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Trưởng phòng TBT Chi cục TC-ĐL-CL, hiện chỉ có gần 100 DN đến tư vấn các vấn đề liên quan đến TBT, cho thấy DN chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng TBT vào quá trình hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sẽ dựng hàng rào như thế nào?
Một vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị đó là hiện nay hàng Trung Quốc không đạt chuẩn đang tràn vào VN. Chúng ta làm gì ngăn chặn nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và đảm bảo công bằng cho DN?
Trả lời vấn đề này, TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, ngay từ giữa năm 2008, UBND TPHCM đã phê duyệt “Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2008-2010”. Tuy nhiên, các DNVN chủ yếu là nhỏ và vừa, do vậy để triển khai được kế hoạch, Sở đã xác định từng nhiệm vụ ứng với từng giai đoạn cụ thể.
Trước mắt, sẽ tập trung tuyên truyền nhằm giúp các DN hiểu biết và thực thi hiệp định; tiến hành rà soát các văn bản chung, đồng thời xây dựng dự thảo “Quy định xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật TPHCM”.
Dự thảo này đã lấy ý kiến lần 1 năm 2008, đến năm 2009 sẽ cụ thể hóa những quy định của TP và đảm bảo tuân thủ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Dự kiến trong năm nay sẽ phải hoàn tất quy chuẩn này.
Tiếp theo giai đoạn 2009-2010, TP sẽ nghiên cứu tính chất đặc thù của TP để đẩy mạnh việc xây dựng Quy chuẩn TPHCM đảm bảo yêu cầu an toàn sức khỏe, an toàn môi trường,…
Việc xây dựng bộ Quy chuẩn TPHCM chủ yếu sẽ dựa vào các bộ tiêu chuẩn VN (TCVN) đã có trong các lĩnh vực, trên tinh thần phù hợp với các quy định quốc tế và không vi phạm các điều khoản WTO. Theo đó, TP sẽ nghiên cứu các quy trình giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến TBT cho DN và đề xuất các biện pháp xử lý.
Cũng theo ông Tân: “Vấn đề hiện nay là cần xây dựng bộ quy chuẩn như thế nào cho phù hợp với thực lực các DNVN. Nếu chúng ta đặt ở mức quá cao thì quy chuẩn sẽ không đi vào cuộc sống, còn nếu thấp thì hàng hóa của VN sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ không loại trừ được những mặt hàng nhập khẩu kém chất lượng”.
Đồng quan điểm trên, ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) nói thêm: khi đưa ra các quy chuẩn thì chúng ta cũng phải tính đến việc đầu tư, đổi mới đồng bộ các thiết bị kiểm định, phòng lab… nhằm tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong hậu kiểm như đã từng xảy ra.
Vào WTO, các DNVN phải thực hiện 3 nguyên tắc của WTO là bình đẳng; công khai, minh bạch và cạnh tranh. Muốn gia tăng vị thế cạnh tranh, muốn quảng bá thương hiệu, các DN cần công khai minh bạch hệ thống quản lý của mình trong việc thực hiện pháp luật, các quy định từ TBT. Và đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng hàng rào ở từng ngành để tự vệ, ngăn ngừa các sản phẩm có chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến hàng hóa của VN.
(Theo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com