Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ động vượt khó, ổn định và mở rộng thị trường

 

Dây chuyền may áo giắc-két xuất khẩu
của Công ty may Việt Tiến.
 - Cuối quý IV năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có đơn hàng xuất khẩu cho năm 2009. Ðã xảy ra tình trạng phía đối tác cắt giảm hợp đồng ngay trên đơn hàng đang sản xuất. Số lượng đơn hàng, giá gia công hiện đã giảm so với quý III năm 2008. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp xuất khẩu giữ được thị trường ngoài nước, ổn định đời sống người lao động đồng thời tìm cách mở rộng thị trường trong nước.
 
Những ngày này các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đang phải đàm phán với đối tác các hợp đồng với giá gia công giảm từ 10 đến 20% thậm chí 50%. Tuy nhiên, khi đến Công ty CP giày Thái Bình, nơi có 15 nghìn công nhân, không khí sản xuất ở các phân xưởng vẫn hết sức khẩn trương. Tổng Giám đốc Công ty CP giày Thái Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) Nguyễn Ðức Thuấn cho biết, năm 2008 ngành da giày Việt Nam liên tục gặp nhiều khó khăn, khách quan thì do EU áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, chủ quan là do doanh nghiệp trong nước không thống nhất trong tính toán chi phí đầu vào, chi phí sản xuất, hồ sơ kinh doanh không ổn định và ít được theo dõi liên tục nên ít có thông số chứng minh sự làm ăn ngay thẳng, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp da giày nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong cái khó nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất các loại giày thể thao thời trang cho giới trẻ, phụ nữ và trẻ em, vì vậy toàn Hiệp hội đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, vượt 20% so với năm 2007. Năm 2009, LEFASO phấn đấu giữ kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008, do giữ cho được các hợp đồng lớn nhằm tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ổn định đời sống hàng trăm nghìn lao động, đồng thời tạo điều kiện để các làng nghề phát triển. Mặt khác, LEFASO đang yêu cầu các doanh nghiệp từng bước chiếm lĩnh thị trường giày dép trong nước phục vụ nhu cầu của 80 triệu người dân.
 
Công ty CP giày Thái Bình có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước (100 triệu USD/năm) đã hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2008 và bắt đầu thực hiện kế hoạch quý I năm 2009 ngay từ những ngày đầu năm. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Ðức Thuấn, cho đến nay sản xuất của doanh nghiệp vẫn ổn định nhờ nhiều năm trước công ty chủ động đầu tư hơn năm triệu USD đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất, nghĩa là cả chuỗi công nghệ máy móc để sản xuất ra đôi giày từ khuôn mẫu, đế, công nghệ pha chế... sản xuất đến chào hàng và xuất khẩu. Bộ phận thiết kế mẫu gồm 400 kỹ sư, mỗi mùa  thiết kế 35 nghìn mẫu các loại giày đi trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông theo mốt của nước nhập khẩu. Vì vậy, sản phẩm của Công ty Thái Bình xuất khẩu trực tiếp qua bốn nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, Nhật Bản nên chi phí không lớn. Công ty còn đầu tư riêng mạng in-tơ-nét đường truyền rộng liên tục cập nhật các mốt giày mới nhất cũng như ký hợp đồng sớm, nhanh với cam kết thực hiện nhanh, an toàn hợp đồng đã ký. Do đơn hàng lớn, công nhân đông, việc dự báo giá cả nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Hằng năm, công ty chi đến 1.000 tỷ đồng cho việc nhập khẩu vật tư, nguyên liệu trong khi đầu năm giá nguyên, phụ liệu tăng 30%, cuối năm giá hạ 30%, nếu không làm tốt việc dự báo giá thì sẽ rất khó khăn cho việc duy trì sản xuất, kinh doanh. Ở đây đã thành thông lệ, năm nào cũng dành 10 tỷ đồng cho quỹ dự phòng rủi ro cũng như trích 5 đến 7% tổng doanh thu vào quỹ ổn định giá.
 
Ngoài việc tìm kiếm hợp đồng, cải tiến mẫu mã, chủ động đầu vào và đầu ra, Công ty CP giày Thái Bình còn quan tâm đến đời sống công nhân. Công ty mở hai siêu thị công đoàn (mở cửa từ 16 giờ (giờ tan ca) đến 21 giờ) kinh doanh chủ yếu thực phẩm gắn với bữa ăn như rau xanh, cá, thịt, mắm, muối, gạo, xà-phòng, dầu gội đầu... bán cho công nhân rẻ hơn giá thị trường. Chị Lê Thị Huyền Trang, công nhân bao bì cho biết, một kg rau xanh ở siêu thị này rẻ hơn bên ngoài hai đến ba nghìn đồng, chục trứng gà, vịt rẻ hơn bên ngoài ba nghìn đồng, một kg thịt rẻ hơn bên ngoài bảy đến tám nghìn đồng. Sắp tới, công ty sẽ mở thêm một số điểm bán lẻ bằng xe đẩy phục vụ di động cho công nhân tại ba cổng khác của hai nhà máy.
 
Ở các doanh nghiệp dệt may thuộc Tập đoàn Dệt - may Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu cũng đang bị thu hẹp từ 10 đến 20% do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, việc duy trì việc làm cho người lao động được Ban Giám đốc Tập đoàn cũng như công đoàn hết sức quan tâm. Nhiều doanh nghiệp cho biết chưa tăng doanh thu và đầu tư mở rộng mà phải tập trung ổn định sản xuất để tồn tại, nên doanh nghiệp phải lo cả xuất khẩu cũng như việc mở rộng thị trường trong nước. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt - may Việt Nam Vũ Ðức Giang, năm 2008, tập đoàn nỗ lực giữ được tăng trưởng xuất khẩu, năm 2009 ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường mới như Trung Ðông, châu Phi, thị trường các nước Ðông Âu cũ để giảm áp lực của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Các doanh nghiệp sẽ nỗ lực sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu bằng đầu tư đổi mới khâu thiết kế, kiểu dáng, tạo mẫu sản phẩm. Việc Việt Nam vừa ký Hiệp định Thương mại song phương với Nhật Bản cũng là điều kiện tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Năm 2009, Tập đoàn Dệt - may sẽ mở thêm 20 siêu thị tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
 
Tổng Giám đốc Công ty May CP Sài Gòn 3 Phạm Xuân Hồng cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 của công ty đạt 85 triệu USD, với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, cổ tức tăng 20%. Ðạt được kết quả như vậy vì nhiều năm nay công ty tạo ra nhiều phong trào thi đua như: Tiết giảm chi phí vật tư, nguyên liệu, điện. Hằng tháng, hằng quý tiến hành sơ kết, tổng kết, nếu vượt chỉ tiêu năng suất chất lượng, người lao động sẽ được khen thưởng thích đáng. Cũng nhờ chất lượng sản phẩm ổn định, lại thường xuyên tạo điều kiện để nhà nhập khẩu thấy có lợi khi đặt hàng với May Sài Gòn 3 nên năm 2008, mặc dù thị trường luôn có biến động song các đối tác khách hàng không giảm, và không hủy đơn hàng mà cùng nhau bàn bạc chia sẻ khó khăn. Năm 2009, May Sài Gòn 3 dự kiến kim ngạch xuất khẩu, tổng doanh thu bằng năm 2008, nhưng lợi nhuận chỉ bằng 80% so với năm 2008. Quý I-2009, công ty đang tích cực thực hiện tốt các đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm.
 
Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến, đơn vị dẫn đầu cả về xuất khẩu, doanh thu, sản lượng cho biết: Năm 2008, May Việt Tiến ký được nhiều hợp đồng lớn, thương hiệu Việt Tiến được nhiều nhà nhập khẩu tin cậy, cho nên kim ngạch xuất khẩu đạt 173 triệu USD, thu nhập của công nhân ở công ty mẹ đạt 2,8 triệu đồng/tháng. Năm 2008 cả doanh thu, xuất khẩu lợi nhuận vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 10%, trong đó thị trường trong nước đạt doanh thu khá cao 400 tỷ đồng. Năm 2009, May Việt Tiến phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu lên 190 triệu USD. Quý I năm 2009, Tổng công ty đang tích cực hoàn thành sớm các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn, đồng thời tiếp nhận và giải quyết việc làm cho 500 công nhân mất việc làm ở một doanh nghiệp của thành phố. Năm 2009, Việt Tiến sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm cao cấp như Santiaro và Manhhatan, đồng thời sản xuất đại trà nhiều sản phẩm có giá cả phù hợp với đối tượng công chức, bình dân.
 
Không chỉ lo giữ thị trường xuất khẩu ổn định, ngày 4-1, Công ty CP dược phẩm SAVI (100% vốn đầu tư trong nước) chính thức đưa nhà máy số 1, kho và tòa nhà điều hành có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng đi vào hoạt động. Nhà máy dược phẩm số 1 điều khiển bằng thiết bị tự động, chuyên sản xuất các loại thuốc đặc trị như tim mạch, tiểu đường, thần kinh, kháng sinh thay thế các loại thuốc ngoại nhập với chất lượng không thua kém, đang được một số bệnh viện trong nước dùng thử nghiệm. Tất cả các loại thuốc sản xuất cũng như phân xưởng sản xuất đều được các chuyên gia dược phẩm nước ngoài theo dõi và chia sẻ trách nhiệm. Còn ở Công ty CP sữa Việt Nam doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn giữ được tăng trưởng cả về doanh thu, xuất khẩu với lợi nhuận cao. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam lúc này thị trường nội địa quan trọng hơn cả xuất khẩu bởi sức mua lớn, lợi nhuận ổn định vấn đề là chất lượng sản phẩm phải được các cơ sở sản xuất coi trọng hàng đầu.

(Theo báo Nhân Dân )

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng đột biến
  • Chủ trương kích cầu đầu tư năm 2009 là xuất khẩu sản phẩm có kim ngạch cao, nhiều tiềm năng
  • Thị trường nội địa - điểm tựa để đi lên
  • Xu hướng xuất khẩu hàng hoá năm 2009
  • Trông đợi nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: Các hiệp hội cần tăng cường các hình thức liên kết
  • 2009: Nhiều khó khăn với hàng xuất khẩu chủ lực
  • Hai năm sau khi gia nhập WTO: Lộ diện nhiều thách thức!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo