Việc xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa chưa được chú ý đúng mức |
Trong số 44 đề án xúc tiến thương mại quốc gia đợt 1 với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ gần 63 tỷ đồng, không có chương trình nào là xúc tiến thương mại cho thị trường nội địa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định phê duyệt 44 đề án xúc tiến thương mại quốc gia đợt 1 năm 2009 do 21 đơn vị chủ trì thực hiện.
Đa số, các đề án được tổ chức dưới hình thức các hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc các chuyến đi giao thương, khảo sát thị trường tại 16 nước và vùng lãnh thổ như Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Bỉ, Tiểu vương quốc Ả rập, Nga, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Israel, An-gie-ri, Ba Lan, Venezuela…
Ngay trong tháng 2/2009, một số chương trình sẽ diễn ra là Hội chợ quà tặng Tokyo lần thứ 67 tại Nhật Bản từ 1-7/2, Hội chợ thực phẩm và đồ uống tại các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất từ 21-28/2, Hội chợ quốc tế hàng gia dụng tiêu dùng tại Đức từ 11-18/2.
Hội chợ thuỷ sản châu Âu ESE tại Bỉ diễn ra vào tháng 4 có tổng mức hỗ trợ lớn nhất, lên tới 6,768 tỷ đồng. Chủ trì nhiều đề án nhất là Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương với 14 đề án được duyệt.
Các đơn vị chủ trì còn lại hầu hết là các tổ chức hiệp hội thuộc các lĩnh vực: da giày, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, nhựa, điện tử, thuỷ sản, gỗ và lâm sản, chè, cà phê và ca cao, cao su, điều, hồ tiêu, lương thực, rau quả và nông sản. Các doanh nghiệp có thể gửi đơn đăng ký tham gia tới các tổ chức này.
Tuy nhiên, trong danh mục các đề án được phê duyệt lần này, không có chương trình nào là xúc tiến thương mại hướng tới thị trường nội địa.
Trong khi đó, để phát triển ngành công thương năm 2009, ngăn ngừa suy giảm kinh tế, Thủ tướng đã chỉ đạo phải lấy thị trường nội địa làm điểm tựa vượt khó. 8 đề án xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức tại Việt Nam chủ yếu là nội dung tăng cường năng lực cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành hàng, chỉ có 2 sự kiện được tổ chức là hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam vào tháng 4 và hội chợ thương mại quốc tế Điện Biên vào tháng 5/2009.
Cuối năm 2008, Bộ Công Thương cũng đã xác định, với riêng lĩnh vực xuất khẩu, cần chuyển hướng sang thị trường mới là Trung Đông và châu Phi, song các chương trình trên đều hướng tới các nền kinh tế đang rơi vào suy thoái hoặc bị tác động sâu của khủng hoảng kinh tế thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga.
Năm 2008, đã có 112 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được triển khai với tổng mức hỗ trợ lên tới 122 tỷ đồng do 28 đơn vị chủ trì.
(Theo Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com