Cạnh tranh bằng giá cả, sản phẩm chất lượng, hàng may mặc Việt Nam sẽ củng cố TTNĐ bền vững hơn. Trong ảnh: Khách hàng chọn sản phẩm may mặc của Công ty Legamex, tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở An Giang, ngày 10-15/3/2009. |
Đó là nhận định của phần lớn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, do việc xây dựng hệ thống phân phối của DN tại thị trường nội địa (TTNĐ) còn quá nhiều lỗ hổng. Mặt khác, hệ thống phân phối nội địa gần như bị chi phối bởi các DN lớn và DN chuyên nghiệp nước ngoài. Bộ Công thương đã xây dựng dự án để kích cầu tiêu dùng nội địa, nhưng việc thực thi cần nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm mới phát huy được hiệu quả đề án.
NHẬN DIỆN LẠI THỊ TRƯỜNG
Hàng ngoại, hàng Trung Quốc lấn chiếm “sân nhà” đang là thực trạng mà các DN đều nhìn nhận còn nhiều lỗ hổng từ khâu phân phối tại TTNĐ. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko Trần Chí Gia, cho biết: “Người tiêu dùng nội địa chưa quen với những sản phẩm may công nghiệp. Hơn nữa, công ty chúng tôi chuyên gia công mặt hàng áo lông vũ, đồ bảo hộ lao động cho thị trường Nhật Bản và những áo bông khó phù hợp với thị trường Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do thời tiết ở đây quá nóng. Dù năm 2008, công ty có đưa ra thị trường phía Bắc khoảng 1.000 cái áo lông vũ, nhưng chỉ mới thăm dò thị trường, chứ chưa dám mở rộng sản xuất”. Theo ông Gia, hiện 95% đơn hàng gia công của Meko ở Nhật Bản, đây là thị trường khá ổn định, nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, ở một số thị trường, giá gia công hiện đã giảm 10- 20% sẽ là thách thức cho DN.
Theo các chuyên gia kinh tế, kích cầu nội địa là giải pháp tốt khi sức mua giảm, nhưng không hẳn là giải quyết được bài toán cho DN xuất khẩu, dù TTNĐ vẫn đầy tiềm năng để DN khai thác. Song, không phải sản phẩm nào cũng có thể tiêu thụ hết tại TTNĐ như: may mặc, trà, lúa gạo, thủy sản... Ở ngành ngành may mặc, Việt Nam vẫn có những DN tên tuổi và thương hiệu lớn khá nổi tiếng, nhưng công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc chưa phát triển. Hiện có đến 80% nguyên phụ liệu DN phải nhập từ nước ngoài như: vải lót, giấy carton, keo, chỉ... Việc không chủ động được nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và phải nhập khẩu sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, DN khó lòng cạnh tranh với những sản phẩm may công nghiệp giá rẻ, cấp thấp từ nước ngoài. Hệ lụy của giá bán cao, người tiêu dùng khó có cơ hội tiếp cận với hàng Việt Nam.
Thêm vào đó, DN thiếu quan tâm thiết lập hệ thống phân phối tại “sân nhà” nên khi quay lại TTNĐ, DN sẽ tốn khá nhiều thời gian. Đơn cử như mặt hàng gạo, đa phần những DN lâu nay chỉ chú trọng xuất khẩu và ngay ở vựa lúa ĐBSCL, gạo ngoại tràn ngập trên thị trường. Các DN xuất khẩu gạo cũng thừa nhận, mạng lưới phân phối gạo nội địa 80- 90% do tư thương chi phối, DN chỉ nắm giữ 10-20% và tư thương có nhiều lợi thế hơn, do họ đóng thuế khoán. Trong khi DN bán gạo tại TTNĐ phải chịu 5% thuế VAT, buộc lòng phải tính thêm mức thuế này vào giá bán. Do đó, giá của DN đưa ra đôi khi cao hơn giá của tư thương. “Cơn sốt” gạo hồi tháng 4-2008 là bài học lớn về hệ thống phân phối. Ở thời điểm đó, hầu như DN xuất khẩu nào cũng có gạo dự trữ trong kho, nhưng khi xảy ra biến động, DN trở tay không kịp vì không có các đại lý bán lẻ trực thuộc. Các DN tham gia bình ổn giá gạo phải đặt in bao bì, mở điểm bán...
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ Trần Phước Thuấn, thừa nhận: “Giá xuất khẩu gạo hiện không chênh lệch nhiều so với giá tại TTNĐ và gạo Việt Nam cũng chưa có thương hiệu rõ ràng, dù xây dựng hệ thống phân phối trực thuộc DN là cần thiết, nhưng DN chưa mặn mà với TTNĐ do nhiều nguyên nhân. Một phần do chịu thêm 5% thuế VAT, rồi nguồn vốn của DN là vốn vay, vốn của cổ đông; trong khi DN bán phải gối đầu cho đại lý. Do đó, DN phải tính toán đến phương án bảo toàn nguồn vốn để ổn định sản xuất kinh doanh”. Theo ông Thuấn, việc bỏ TTNĐ đã tạo cơ hội cho DN nước ngoài, nhưng nếu có phương án kinh doanh tốt, DN vẫn có thể chủ động chiếm lại TTNĐ. Bởi sản lượng tiêu thụ nội địa luôn ổn định, giá bán cao hơn xuất khẩu từ 15-20% ở dòng sản phẩm chất lượng cao.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Tại TP Cần Thơ, quí I-2009, tổng mức hàng hóa bán ra khoảng 10.584 tỉ đồng (đạt 19,6% kế hoạch), tăng trên 7,6% so cùng kỳ năm 2008; trong đó bán lẻ 4.941 tỉ đồng, tăng trên 12%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thành phố giảm gần 6% so cùng kỳ (đạt 106 triệu USD) do DN khó khăn, đơn đặt hàng giảm sút, đối tác thanh toán đơn hàng chậm... Hiện nay, các giải pháp kích cầu và chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN đã phát huy hiệu quả, đây cũng là cơ hội cho DN nhận diện lại thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kích hoạt TTNĐ ngoài chính sách cũng cần giải pháp đồng bộ đi kèm mới phát huy hiệu quả thật sự.
Hiện nay, dự án Kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, mở rộng và khai thác TTNĐ do Bộ Công thương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) thực hiện. Trong đó, chọn thị trường nông thôn để mở đầu cho chuỗi hoạt động của chương trình “Hàng Việt về nông thôn” từ tháng 3-2009 đến 3-2010 và sẽ tiếp tục ở các năm sau. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết: “Nông thôn có 70% dân số sinh sống và là điểm tựa lâu dài của DN khi thị trường đô thị dần bão hòa do nhiều thương hiệu đa quốc gia và thương hiệu dành cho giới trung lưu chen chúc cạnh tranh”. Dự án sẽ tổ chức cho các DN Việt Nam sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn. Để duy trì sự có mặt lâu dài hàng hóa Việt tại nông thôn, DN sẽ về bán lẻ tại các trung tâm huyện, xã, đồng thời xây dựng mạng lưới bán lẻ tại các chợ nông thôn vào mạng lưới bán hàng lâu dài của DN. Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở An Giang (từ ngày 10 đến 15-3-2009), Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao đã ra mắt chương trình “Bán hàng Việt về nông thôn” do Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (TP Cần Thơ) và Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon)- TP Hồ Chí Minh dẫn đầu.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương đã đưa ra chương trình hành động nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, có 3 đề án phát triển TTNĐ gồm: Phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, khuyến khích các DN tổ chức các đợt hạ giá bán hàng để kích cầu tiêu dùng. Bộ cũng đề ra các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động (thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh...). Song song đó, Bộ sẽ ban hành các biện pháp quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thao túng thị trường và giá cả.
Tuy nhiên, ngoài các giải pháp của Nhà nước, sự chủ động của DN mới là yếu tố quyết định. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko Trần Chí Gia cho biết: “Thị trường xuất khẩu may mặc có khó khăn, nhưng nếu chọn thị trường cùng với uy tín, chất lượng sản phẩm tốt, DN vẫn còn nhiều cơ hội. Hiện nay, May Meko có đơn đặt hàng ổn định, nên duy trì được kế hoạch sản xuất và dự kiến doanh số năm 2009 sẽ tăng 20% so với năm trước. Nếu công nghiệp phụ trợ ngành may mặc phát triển, việc củng cố TTNĐ của DN sẽ nhiều thuận lợi hơn”.
Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, cho rằng: “DN mạnh ở sân nhà sẽ nhiều lợi thế hơn trong xuất khẩu. Song, phải làm thế nào để xây dựng cho được thương hiệu của DN để khẳng định với người tiêu dùng là DN có sản phẩm tốt, chất lượng, giá rẻ hơn sản phẩm ngoại; đồng thời phải chọn ra những thị trường mục tiêu để xây dựng kế hoạch sản xuất, chiến lược kinh doanh phù hợp”. Theo ông Thuấn, hiện nay, công ty chưa có cửa hàng nội địa, nhưng trong kế hoạch sẽ phát triển hệ thống bán lẻ ở những chợ lớn trong TP Cần Thơ. Vụ đông xuân 2008- 2009, công ty đã đầu tư, bao tiêu sản phẩm 10 ha lúa của 1 hợp tác xã thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
( Theo báo Cần Thơ online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com