Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thông báo, hiện tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đóng cửa một số siêu thị, trong đó có siêu thị tại Thái Bình và chợ Bưởi (Hà Nội).
DN chưa mặn mà phát triển phân phối bán hàng nội địa giai đoạn khó khăn hiện nay Ảnh: Hoài nam |
“Siêu thị đặt ở chợ Bưởi của Hapro đóng cửa vì nhiều lý do, nhưng trong đó có lý do khó cạnh tranh về giá sản phẩm do siêu thị phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) đầy đủ, còn các sạp hàng ở ngoài chợ thì đóng thuế khoán”, ông Phú nói và cho rằng, chính sách thuế VAT đang duy trì áp dụng khác nhau đối với DN và đối với các hộ kinh doanh, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
DN thuộc khối sản xuất chế biến nông sản cũng đang gặp khó khăn từ chính sách thuế VAT, do không được khấu trừ VAT đầu vào. Nguyên nhân xuất phát từ việc DN thu mua nguyên liệu của nông dân, nhưng không được nông dân xuất hoá đơn. Và để tránh phải nộp thuế khi bán sản phẩm rộng rãi, các DN đành phải lách quy định bằng việc bán sản phẩm ngay cho các DN trực thuộc, mà khó tổ chức liên kết rộng rãi với DN khác để xây dựng hệ thống phân phối.
Một trong những vấn đề khiến cho DN chưa mặn mà phát triển phân phối bán hàng nội địa giai đoạn khó khăn hiện nay là do thuế VAT của hầu hết các mặt hàng vẫn đang được giữ nguyên. Ông Phú thông báo, giá cả hiện tại của nhiều mặt hàng trên thị trường vẫn đang ở mức cao. “Một kg thịt bò có giá 130.000 đồng, một chai dầu ăn Neptune 5 lít có giá 156.000 đồng, tôm lột tăng thêm 20.000 đồng một kg...
Để kéo được người tiêu dùng mua hàng hoá mạnh mẽ, thì giá cần được giảm mạnh hơn. Và cách làm điều này đơn giản hơn là cần giảm thuế VAT trong giai đoạn hiện nay”, ông Phú kiến nghị.
Ý kiến trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trong buổi gặp gỡ các DN nhỏ và vừa của Hà Nội hồi tháng trước đã nói rằng, để phát triển thị trường nội địa và nâng khả năng cạnh tranh cho các DN sản xuất trong nước, thì chính sách thuế cần được xây dựng một cách linh hoạt.
“Trong đó, tôi cho rằng, chính sách thuế VAT là quan trọng nhất, tác động tới hoạt động sản xuất kinh - doanh của DN, cũng như kích thích người tiêu dùng mua hàng sản xuất trong nước. Cụ thể, cơ quan chức năng có thể xem xét giảm thuế VAT đối với một số nhóm mặt hàng sản xuất nội địa, nhằm kích thích sản xuất và phát triển hệ thống phân phối nội địa”, ông Tuyển nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khi họp với các DN xuất khẩu hồi cuối tháng 3 cũng khẳng định, vấn đề thuế VAT đang cản trở các DN phát triển hệ thống phân phối ở trong nước. Trong lĩnh vực lương thực, 2 tổng công ty lớn là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, song lại không có hệ thống phân phối ở trong nước.
“Nguyên nhân là do khi xuất khẩu, DN được khấu trừ thuế VAT theo hợp đồng (không phải nộp thuế VAT), trong khi DN bán sản phẩm này ở trong nước phải chịu thuế VAT”, ông Biên nêu thực tế.
Hiện tại, Bộ Công thương đang soạn thảo Đề án Đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý đối với hệ thống phân phối thị trường trong nước. Đây là một đề án quan trọng và nếu được thực hiện sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng phát triển hệ thống phân phối của các DN trong nước. Tuy nhiên, theo ông Phú, để thực hiện đề án này, cần phải giải quyết được 3 vấn đề cơ bản là quy hoạch thương mại, vốn thực hiện và DN “cầm trịch”.
Đây là bài toán cần có nhiều thời gian để giải quyết. Còn trước mắt, các DN đang mong muốn chính sách thuế VAT cần được cơ quan chức năng quan tâm xử lý phù hợp, để giúp DN phát triển hệ thống phân phối trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com