Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã dẫn tới sự suy thoái kinh tế ở nhiều nước, điều này cũng ảnh hưởng khá lớn tới lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới. Vì vậy, để đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 đạt 13%, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.
Năm 2008: nhập siêu lớn
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2008 ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2007, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng lên 58,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2007, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng lên 75,4 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2007. Với kết quả như vậy, nhập siêu 11 tháng đã giảm hơn nhiều so với dự kiến, chỉ còn khoảng 16,9 tỷ USD (nhập siêu 11 tháng ước khoảng 500 triệu USD), bằng 28,8% xuất khẩu.
Nếu như quý I/2008, xuất khẩu chỉ tăng 24% trong khi nhập khẩu tăng tới 71%, quý II/2008 xuất khẩu tăng 35,9%, nhập khẩu tăng 61,7% thì đến hết tháng 11/2008, khoảng cách về tốc độ tăng giữa xuất khẩu và nhập khẩu đã được thu hẹp hơn nhiều và khá thuận lợi trong điều kiện hiện nay (11 tháng: xuất khẩu tăng 34%, nhập khẩu tưng 38,4%). Tuy nhiên, xuất khẩu những tháng cuối năm đã có sự sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
So với tháng 9/2008, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã giảm mạnh như giá gạo giảm khoảng 30%, cà phê giảm 20%, cao su giảm 30%, dầu thô giảm 40%. Nếu so với các tháng giữa năm, giá mặt hàng gạo giảm 60%, cà phê giảm 30%, cao su giảm 55%, dầu thô giảm 60%... Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong 4 tháng vừa qua: tháng 7 đạt 6,55 tỷ USD, tháng 8 đạt 6,02 tỷ USD, tháng 9 đạt 5,27 tỷ USD, tháng 10 đạt 5,04 tỷ USD và tháng 11 ước đạt 4,8 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu đang gặp phải khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu dệt may, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ... vào Mỹ, EU, Nhật Bản đều đã giảm xuống 20-30%; hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Nga bị ứ đọng do khách hàng không có khả năng thanh toán; có những hợp đồng đã ký bị hoãn xuất khẩu, lùi thời gian giao hàng sang năm 2009. Với tình hình đó, Bộ Công Thương dự kiến xuất nhập khẩu tháng 12 và cả năm 2008 như sau:
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt khoảng từ 5-5,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 sẽ đạt khoảng từ 63,5-64 tỷ USD, tăng 30,8-31,8% so với năm 2007.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 dự kiến đạt khoảng 6,5 tỷ USD (dự báo các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất đầu năm 2009). Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2008 sẽ đạt khoảng 82 tỷ USD, tăng 30,8% so với năm 2007. Nhập siêu năm 2008 khoảng 18-18,5 tỷ USD, bằng 28,1-29,2% kim ngạch xuất khẩu.
Dự báo năm 2009: Nhiều khó khăn
Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 khó tăng được nhiều. Chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2009 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 13%, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 72 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2009 gặp rất nhiều khó khăn để có thể đạt được mục tiêu trên, cụ thể:
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong năm tới, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã rơi vào suy thoái hoặc tiến gần đến suy thoái, tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi lên cũng chững lại.
Hàng hoá của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn nữa với hàng hoá cùng chủng loại của các nước châu á như nông sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép, điện tử trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm. Các nhà nhập khẩu khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để nhập khẩu hàng hoá.
Thuận lợi về giá nhìn chung sẽ không còn, giá hàng hoá tiếp tục đứng ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán của các thị trường giảm, kinh tế thế giới suy thoái cũng sẽ làm cho giá hàng hoá khó có thể tăng trong năm tới. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, do đó, xuất khẩu những mặt hàng nông lâm thuỷ sản (cà phê, hạt tiêu, đồ gỗ, thuỷ sản...), khoáng sản đã được lợi thế về giá trong năm 2008 sẽ giảm sút mạnh về giá trị trong năm 2009 (30-40%), ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than... Lượng dầu thô xuất khẩu năm 2009 sẽ giảm 3,3-4 triệu tấn do phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn là dệt may và da giày sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhiều hàng rào phi thuế và các biện pháp bảo hộ tinh vi được các nước dựng lên nhằm hạn chế nhập khẩu...
Nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng đột biến như năm 2008
Các biện pháp của Chính phủ đã ban hành nhằm kiềm chế lạm phát, thực hiện tiết kiệm trong chi phí công, cắt giảm đầu tư các công trình không hiệu quả hoặc chưa cần thiết...; hạn chế nhập khẩu thông qua việc tăng thuế nhập khẩu, nộp thuế trước khi thông quan, quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động tiếp tục phát huy tác dụng.
Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào giảm mạnh 30-50% so với năm 2008 như sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu làm cho trị giá nhập khẩu giảm nhiều mặc dù lượng có thể tăng nhẹ so với năm 2008.
Lượng xăng dầu nhập khẩu giảm do nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Lượng nhập khẩu năm 2009 ước khoảng 11 triệu tấn với kim ngạch khoảng 6 tỷ USD (giá bình quân 545 USD/tấn), giảm trên 5 tỷ USD so với năm 2008.
Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu giảm do khó khăn về thị trường, vốn, lãi suất... các doanh nghiệp và người dân cũng sẽ tiết kiệm hơn trong sản xuất, tiêu dùng.
Việc nhập khẩu hàng hoá với số lượng lớn để đầu cơ giá lên như trong năm 2008 đối với mặt hàng sắt thép, phôi thép nhiều khả năng không còn. Ngoài ra, việc nhập khẩu vàng tiếp tục được kiểm soát và hạn chế.
Với những biện pháp và tình hình khó khăn như trên, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch nhập khẩu năm 2009 sẽ tăng nhẹ, ở mức 84 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm 2008. Như vậy, nhập siêu sẽ ở mức 17-18 tỷ USD, bằng khoảng 27% kim ngạch xuất khẩu.
Và giải pháp tháo gỡ
Đứng trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và của Việt Nam trong tháng cuối năm 2008 và năm 2009, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra Bộ Công Thương đề ra các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu như sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu Chính phủ đã chỉ đạo trong năm 2008.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cơ bản trong tháng 12 và điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường trong năm 2009 (lãi suất cơ bản của Việt Nam hiện cao hơn nhiều nước như Mỹ là 1%, EU 3%, Nhật 0,3%, Trung Quốc 6,6%...); Nghiên cứu cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, hỗ trợ lãi suất và các hình thức hỗ trợ khác; Xem xét tạm thời không áp dụng thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu, đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như hạt nhựa, nguyên liệu thuỷ sản, điều nguyên liệu và xơ sợi... tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất tăng năng lực cạnh tranh của hàng hoá và tận dụng cơ hội giảm phát của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích sản xuất.
Tăng cường sử dụng công cụ Ngân hàng Phát triển để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế và thực sự có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Nghiên cứu các hình thức hỗ trợ nông dân theo cam kết của Việt Nam với WTO về hỗ trợ nông nghiệp (10% giá trị sản phẩm nông nghiệp), hỗ trợ thiết bị và kinh phí kiểm tra dư lượng kháng sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ bảo quản hàng nông sản (gạo, cà phê) sau thu hoạch như đầu tư sân phơi, lò sấy, kho chứa; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua nông lâm thuỷ sản, trước mắt như tôm, cá xuất khẩu.
Theo dõi sát, có biện pháp đề phòng tích cực trước tình hình khủng hoảng tài chính của Mỹ và thế giới. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật do các nước đưa ra để hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các mặt hàng và các hợp đồng xuất khẩu, quan tâm đến các thị trường lớn, truyền thống lẫn các thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh ở cả cấp Chính phủ và doanh nghiệp.
Các hiệp hội ngành hàng khuyến cáo doanh nghiệp rà soát các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nhất là các hợp đồng dài hạn, hợp đồng có kỳ hạn. Đặc biệt chú ý vấn đề khả năng thanh toán của đối tác. Phối hợp với các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thông tin về tình trạng pháp lý và khả năng thanh toán của đối tác, nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng xuất khẩu, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang chịu tác động ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế nhập khẩu đã triển khai. Quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Công bố danh mục mặt hàng nhập khẩu phải nộp thuế ngay trước khi thông quan...
Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để nâng cao chất lượng nhập khẩu; Rà soát, ban hành các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng hoá chất, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến dùng trong bảo quản hàng thực phẩm...
Phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển xuất khẩu, giảm nhập khẩu bằng đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước, các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu cũng là một biện pháp quan trọng để hạn chế nhập khẩu. Các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đầu tư về điện, phân bón, thép, cơ khí, dệt may vào sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu. Triển khai mạnh và tích cực đầu tư vào sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thúc đẩy sớm ký kết các hiệp định song phương và đa phương thiết lập các khu vực mậu dịch tự do để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu. Trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu (trước hết là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc...) để phối hợp tìm giải pháp tăng xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với các quy tắc của WTO, khuyến khích việc các thành viên có quyền yêu cầu cân bằng thương mại lẫn nhau.
Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong tiêu dùng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng./.
(Hà Phương - Tạp chí kinh tế và dự báo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com