Với các hiệp định kinh tế mà Việt Nam đã ký với Nhật Bản, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/4/2009. Trước đó, vào cuối năm 2008, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản - ASEAN (AJCEP) cũng đã có hiệu lực.
Trong tuần qua, tại TP.HCM, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị phổ biến Hiệp định VJEPA và AJCEP với cộng đồng DN. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, VJEPA là một thỏa thuận song phương mang tính toàn diện. bao gồm các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật…
VJEPA quy định, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên. Hàng nông sản, may mặc và thủy sản của Việt Nam sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Nhật. Ngược lại, hàng công nghiệp, gồm cả phụ tùng ô tô và sản phẩm điện tử của Nhật khi vào Việt Nam sẽ được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu.
Trong giai đoạn đầu của Hiệp định, hai bên sẽ ưu tiên xây dựng một số dự án hợp tác hỗ trợ cho Việt Nam, như giúp đào tạo y tá Việt Nam tại Nhật Bản, xây dựng hệ thống kiểm định nghề nghiệp cho Việt Nam, thiết lập cơ chế đối thoại DN trong lĩnh vực dệt may, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực kiểm định vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng ngành trồng trọt và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho Việt Nam.
Theo ông Biên, VJEPA là hiệp định có mức cắt giảm thuế quan lớn nhất so với các hiệp định kinh tế thương mại mà Việt Nam đã tham gia với các quốc gia khác. Do đó, DN cần nghiên cứu kỹ nội dung của Hiệp định này để có được bước chuẩn bị thị trường tốt hơn nữa.
Còn theo Hiệp định AJCEP, có 7.264/9.111 dòng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. Trong đó, có khoảng 4.000 dòng sản phẩm đã được hưởng thuế suất 0% trước khi Hiệp định có hiệu lực. Đợt giảm thuế đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/12/2008, các lần cắt giảm thuế hàng năm sẽ thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1/4 đến 31/3 năm sau.
Như vậy, với các hiệp định kinh tế mà Việt Nam đã ký với Nhật Bản, DN Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này. Song Nhật Bản được coi là một thị trường khó tính, nên các DN phải chuẩn bị kỹ lưỡng, để tận dụng cơ hội vào thị trường này.
Đơn cử như với mặt hàng dệt may, mặc dù đã có mức thuế giảm 5-10%, song DN không dễ được hưởng ưu đãi thuế nếu không đáp ứng được các điều kiện mà Hiệp định quy định. Theo AJCEP, để hưởng thuế suất 0%, hàng dệt may xuất khẩu vào Nhật phải đáp ứng được tiêu chí phải sử dụng nguyên phụ liệu, vải nhập khẩu từ Nhật Bản, của các nước ASEAN hoặc nguồn vải trong nước sản xuất. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ dệt vải của Việt Nam còn yếu, nhiều dự án sản xuất vải chưa đi vào hoạt động.
Hay như với mặt hàng giày da, để được hưởng ưu đãi thuế, các DN không được nhập khẩu các bộ phận sản xuất giày từ ngoài khối. Ngay trong lĩnh vực nông sản vốn được coi là có thế mạnh của Việt Nam, các DN cũng phải làm nhiều việc mới có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó, quy định chất lượng an toàn thực phẩm của đối tác là rất chặt chẽ.
Đặc biệt, DN xuất khẩu cần nắm được Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ AJCEP. Bộ Công thương đề nghị trong thời gian tới, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, thay thế hàng nhập khẩu, thực hiện công tác R&D ngay tại Việt Nam, để sản xuất hàng dệt may đạt giá trị gia tăng cao và tận dụng được ưu đãi thuế quan của VJEPA.
Bộ Công thương cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản của Việt Nam chỉ đạt 850 triệu đô la Mỹ, giảm 35% so cùng kỳ. Đây là mức suy giảm rất lớn so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chiếm thị phần rất nhỏ, mới đạt khoảng 1,19% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, trong khi con số này của Malaysia là 3,05%, Thái Lan 2,73%, Indonesia 4,27% và lớn nhất là Trung Quốc chiếm 18,83%.
Trong những năm 2007-2008, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bộ Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản trong năm nay sẽ bằng mức năm 2008 (8,5 tỷ USD) và năm 2010 sẽ đạt 9,8 tỷ USD. Trong đó, các DN thuộc những ngành dệt may, giày dép, thủy sản, các mặt hàng cơ khí chế tạo, đồ gỗ sẽ có kim ngạch xuất khẩu lớn.
(Theo Duy Đông - Báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com