Xuất khẩu sẽ là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay |
Đó là khẳng định của ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch CEO Club, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Ông Tâm cho rằng, bối cảnh khủng hoảng hiện nay chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề này.
- Thưa ông, chương trình Giao lưu Doanh nhân quốc tế 2009 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế hiện nay có giúp doanh nhân Việt tìm được hướng khắc phục những khó khăn trước mắt không?
Chương trình giao lưu doanh nhân quốc tế 2009 nhằm hai mục tiêu chính. Thứ nhất, phối hợp với các CEO quốc tế để tìm ra những giải pháp cụ thể hơn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Thứ hai, hướng đến mục tiêu tinh thần. Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động. Nếu các CEO cùng ngồi lại với nhau thì có thể tìm ra một giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng. Những CEO nổi tiếng thế giới là những người có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp. Mặt khác, chương trình cũng nhằm cảnh báo các doanh nghiệp, giúp họ nhận diện chính xác những khó khăn trước mắt. Do đó, những doanh nhân quốc tế mà chúng tôi mời lần này đến từ nhiều quốc gia đang đối diện với khủng hoảng và suy thoái như Nhật Bản, Brazil, Hàn Quốc, Singapore...
- Ông có thể giới thiệu rõ hơn về Chương trình Giao lưu CEO quốc tế 2009?
Chương trình dự kiến sẽ mới khoảng 400 doanh nhân tham dự. Tại đây, các CEO Việt sẽ có cơ hội đúc rút từ những kinh nghiệm của CEO quốc tế để tìm ra hướng đi cho mình. Bên cạnh đó là phản biện của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lúy, quan chức, để qua đó có thể đưa ra những giải pháp thực sự hữu hiệu nhất. Đặc biệt, cơ hội đối thoại với các quan chức sẽ giúp cho các CEO nhận diện đúng đắn những chính sách điều hành kinh tế sắp được các chính phủ đưa ra. Từ những vấn đề được thảo luận tại chương trình, BTC cũng sẽ tập hợp thành một bản kiến nghị để trình Chính phủ.
Trọng tâm của Chương trình Giao lưu quốc tế 2009 sẽ bàn về những lĩnh vực kinh doanh có khả năng gặp phải khó khăn, những cơ hội và thách thức, những cơ hội và giải pháp cũng như những rủi ro có thể gặp phải. Bên cạnh đó, chương trình dự kiến sẽ mổ xẻ ba chủ đề quan trọng là những giải pháp, chính sách của các chính phủ sẽ đưa ra để đối phó với khủng hoảng; các giải pháp về đầu tư và xuất khẩu và các giải pháp về vấn đề lao động.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ gặp khó khăn lớn nhất do thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Mỹ và EU cũng đang gặp khó khăn. Trong khi đó, đây cũng là lĩnh vực sử dụng tương đối nhiều lao động ở Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp và Chính phủ đang cố gắng chỉ giảm ca chứ không sa thải lao động. Các doanh nghiệp cũng phải nhận thức được, nếu thực hiện sa thải nhân công trong bối cảnh hiện nay thì họ sẽ có nguy cơ trở tay không kịp khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục trở lại, đánh mất cơ hội khi kinh tế phục hồi. Vì thế, doanh nghiệp và Chính phủ cần xây dựng các quỹ hỗ trợ thất nghiệp, giảm việc làm.
- Vậy có cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc khủng hoảng này không, thưa ông?
Tăng trưởng của Việt Nam chỉ suy giảm chứ không suy thoái hay khủng hoảng. Nên đây chính là thời điểm để Việt Nam kéo gần khoảng cách với các nước phát triển. Khi họ phải đối mặt với tăng trưởng âm, thì chúng ta vẫn đang tiến.
Tôi cho rằng, thời điểm này quả bóng đang nằm trong tay doanh nghiệp. Đây là lúc các CEO cần thể hiện bản lĩnh của mình. Trong thời bình, mỗi CEO là một chiến sĩ. Một CEO giỏi sẽ có nhiều đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Nếu các CEO mạnh dạn đầu tư kinh doanh thì mới có thể giúp kinh tế phát triển được. Những doanh nhân nào tồn tại được qua cuộc khủng hoảng này thì mới phát triển vững chắc hơn. Trong khủng hoảng các doanh nhân sẽ có nhiều cơ hội để hoàn thiện và phát triển hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Không phải tự nhiên mà trong bối cảnh khó khăn như hiện nay chính phủ lại kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Bởi chưa bao giờ giá để sở hữu một dây chuyền sản xuất, một công nghệ mới hay thậm chí là một nhà máy, một hãng lại rẻ như lúc này. Doanh nghiệp Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội.
- Xin cảm ơn ông!
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Bài thuộc chuyên đề: Giám đốc điều hành - CEO ( tổng hợp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com