Đó là kết quả của cuộc khảo sát lần đầu tiên về chỉ số tin cậy thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vừa được Ngân hàng HSBC công bố.
Cuộc khảo sát trên do Công ty TNS thực hiện tại 2.102 công ty xuất khẩu và thương mại tại Australia, ấn Độ, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Các tiểu vương ả Rập thống nhất (UAE) và Việt Nam (với sự tham gia của hơn 300 DN có doanh thu hàng năm dưới 10 triệu USD). Nội dung khảo sát là các quan điểm và kỳ vọng về hoạt động thương mại cũng như tăng trưởng kinh doanh của doanh của DN đến tháng 6/2009.
Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các DN lạc quan về hoạt động thương mại, trong đó, các DN của UAE có mức lạc quan cao nhất, các DN Hồng Kông có mức lạc quan thấp nhất. Riêng với các DNNVV của Việt Nam, có đến 54% DN tham gia cuộc khảo sát dự đoán rằng, giao dịch thương mại sẽ tăng trong thời gian tới.
Trong khi 53% DN của ấn Độ, 14% của Australia dự đoán nhu cầu tài trợ thương mại của mình sẽ tăng, thì có đến 57% các DNNVV Việt Nam được hỏi kỳ vọng vào điều này. Hơn một nửa DN cho biết sẽ nhận tài trợ thương mại thông qua ngân hàng, 27% sử dụng nguồn vốn tự có, phần còn lại là thông qua hỗ trợ của người mua, hình thức thanh toán của nhà cung cấp.
Đáng chú ý là, khoảng 54% DN của Việt Nam kỳ vọng có cơ hội tốt hơn trong tiếp cận tài trợ thương mại. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn nhất của các DNNVV Việt Nam chính là tác động của tỷ giá, với 2/3 DN cho rằng, tỷ giá có tác động bất lợi đến kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc toàn quốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ cung ứng Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), khi được hỏi về tác động của tỷ giá ngoại hối đối với việc kinh doanh, có đến 64% DN tại Việt Nam, 32% tại Singapore và 30% tại Hồng Kông cho rằng, tỷ giá giá ngoại hối có tác động bất lợi với hoạt động thương mại trong 3 tháng tới. Trong khi đó, 48% các DN tại ấn Độ và 39% DN tại UAE cho rằng, tỷ giá ngoại hối trong 6 tháng đầu năm đã mang lại lợi ích cho họ.
Bà Hà cũng cho biết, biến động tỷ giá ngoại hối được các DN tham gia khảo sát đánh giá là yếu tố ảnh hưởng bất lợi nhất đến tình hình thương mại, đặc biệt là đối với các DN tham gia khảo sát tại Việt Nam (62%), Hồng Kông (54%) và ấn Độ (52%).
Về các rủi ro liên quan đến bên mua và nhà cung cấp, phần lớn các DN tại Việt Nam và Trung Quốc (72%) tin rằng, mức độ rủi ro thanh toán từ phía người mua hay rủi ro do nhà cung cấp không thực hiện đúng thỏa thuận thương mại sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, khoảng 1/3 DN được hỏi tại Australia (36%), ấn Độ (34%) và Hồng Kông (31%) dự đoán rủi ro thanh toán sẽ tăng.
Khi được hỏi về các biện pháp DN sử dụng để tự bảo vệ mình trước các rủi ro về thanh toán, DN ở ấn Độ (56%), Việt Nam (43%), UAE (27%), Australia (26%) và Singapore (16%) cho biết, chiến lược hàng đầu của họ là sử dụng tài trợ thương mại nhiều hơn.
Gần 1/5 các DN tham gia khảo sát ở Hồng Kông (17%) cho rằng, họ sẽ yêu cầu bên mua hàng thanh toán trước. Trong khi đó, 1/3 các DN tham gia khảo sát ở Trung Quốc (32%) và Việt Nam (14%) đưa ra câu trả lời sẽ dựa vào bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Mặc dù tình hình kinh tế của năm 2009 vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng các DNNVV tại Việt Nam là những DN có sự lạc quan cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia cuộc khảo sát trong khu vực châu á - Thái Bình Dương. Các DN này đánh giá cao triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam, với chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh của Chính phủ, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, vị trí địa lý thuận lợi…
Giám đốc Toàn cầu Trung tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ chuỗi cung ứng Ngân hàng HSBC Lawrence Webb cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển dự đoán về triển vọng thương mại lạc quan hơn, vì trong nhiều trường hợp, các nền kinh tế này không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường phương Tây như những thị trường đã phát triển tham gia cuộc khảo sát trên.
Theo HSBC, tại Trung Quốc, ấn Độ và Việt Nam, các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa của Chính phủ đã và đang giúp giữ vững niềm tin của DNNVV. Thêm vào đó, các thị trường này được kỳ vọng phục hồi nhanh hơn sau suy thoái kinh tế và sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2010.
Cùng với các thị trường đang phát triển như Trung Quốc và ấn Độ, DNNVV Việt Nam có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế toàn cầu cao hơn các thị trường phát triển khác như Australia, Singapore và Hồng Kông, với hơn một nửa DN dự đoán sản lượng thương mại sẽ tăng. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
( Theo Vân Linh // Báo đầu tư)
Bài thuộc chuyên đề: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com