Phái đoàn ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì cải cách để tận dụng tốt các cơ hội mới thì thương mại sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh.
Nhận định này được ông Sean Doyle, Trưởng phái đoàn EC tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Sách xanh năm 2009.
Theo ông Sean Doyle, trong năm 2008, Việt Nam trải qua 2 cuộc “khủng hoảng” liên tiếp, nhưng đã có những thành quả đáng ghi nhận. “Trong suốt nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam phát triển quá “nóng” gây ra bởi nguồn vốn lớn đổ vào, tăng trưởng tín dụng mạnh, lạm phát cao và mức thâm thủng thương mại lớn. Còn trong 6 tháng cuối năm, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã châm ngòi cho sự xuống dốc trong xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Tuy vậy, kết quả tăng trưởng GDP năm 2008 của Việt Nam là khá đẹp (với 6,18%) và Việt Nam vẫn được coi là một trong 12 nền kinh tế có mức tăng trưởng dương”, ông Sean Doyle nói.
Cũng theo đại diện của EC tại Việt Nam, trong năm 2008, một số mặt hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ được mức tăng trưởng cao như giày dép (đạt 2 tỷ euro, tăng 6,4% so với 2007), dệt may (đạt 1,3 tỷ euro, tăng 7,34%), cà phê (đạt 0,85 tỷ euro)...
Cộng với việc phân tích các giải pháp ứng phó với khó khăn hiện nay của Chính phủ, EC khẳng định, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng “sức khoẻ hợp lý” và hoàn toàn có thể hồi phục đầy đủ ngay sau khi các điều kiện bên ngoài cho phép. Với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, EU hy vọng sẽ đóng góp cho sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong Sách xanh 2009, EC khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều cải cách nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam cũng như thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam ở thị trường nước ngoài. “Chúng tôi khuyến nghị các bạn cần quan tâm hơn tới việc đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa EU và Việt Nam.
Điều này sẽ có lợi lớn cho hàng hóa của các bạn khi xuất khẩu vào thị trường quan trọng này, bởi nhiều mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế tốt hơn so với hiện nay. Các bạn đang có tới 60% hàng hoá phải chịu thuế khi xuất khẩu vào EU, trong khi con số này của Thái Lan là 50%, Malaysia là 21% và Singapore chỉ có 10%. Các bạn có thể hình dung ra những ích lợi khi đàm phán FTA với EU”, ông Antonio Berenguer, Tham tán thương mại của EC tại Việt Nam nói.
Khoảng cách giữa cam kết FDI và giải ngân nguồn vốn này cũng là sự lo ngại của EC và tổ chức này mong muốn Việt Nam sẽ tạo môi trường tốt hơn nữa để các dự án FDI thực hiện giải ngân, nhất là hạn chế tình trạng quan liêu tại các cơ quan chức năng.
Cũng theo khuyến cáo của EC, để tăng cường thu hút nguồn đầu tư có chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế phá sản.
Trong nhiều nội dung, báo cáo lần này của EC đề xuất việc định giá quyền sử dụng đất. “Theo chúng tôi, đây là vấn đề nên để thị trường tự do quyết định. Việc này cần được lưu tâm, bởi nó liên quan tới việc xem xét Việt Nam được hưởng quy chế kinh tế thị trường của EU”, ông Antonio Berenguernói. Chuyên gia này cũng đề đạt mong muốn của các DN được khấu trừ đầy đủ thuế áp dụng với các chi phí quảng cáo và xúc tiến thương mại. Điều này rất quan trọng với các DN, nhất là các DN mới đầu tư vào Việt Nam, trong việc xây dựng hình ảnh DN và kinh doanh hiệu quả.
Ông Sean Doyle cũng nhận xét, trong hơn 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã thể hiện tốt việc thực hiện các cam kết.
Khi công bố cuốn Sách xanh 2009, EC khẳng định trong thời gian tới, thương mại Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng tốt khi duy trì tiến trình cải cách để tận dụng tốt những cơ hội mới và đối phó thành công với các thách thức đang trỗi dậy.
“Ngay cả với việc ngày càng có nhiều hàng hoá nước ngoài xuất hiện trên thị trường Việt Nam cũng không phải là chuyện gì nghiêm trọng, bởi hàng hoá của các bạn cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu và thế giới. Hơn nữa, các bạn vẫn cần nguyên liệu cũng như công nghệ để sản xuất hàng xuất khẩu”, ông Sean Doyle nói và tin tưởng, Việt Nam sẽ phát triển mạnh thương mại trong thời gian tới và cũng không nên lo ngại trước việc mở cửa thị trường.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com