Theo cả ba kịch bản kinh tế mà CIEM vừa đưa ra trong Báo cáo kinh tế 2008, nếu loại bỏ yếu tố tái xuất vàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay đều âm.
Cụ thể, ở kịch bản cơ bản, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là âm 12,2%, trong khi đó, con số này ở kịch bản lạc quan và bi quan tương ứng là âm 7,2% và âm 25,5%.
Lý giải về nhận định này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, có nhiều yếu tố khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay sẽ âm, đó là giá dầu giảm mạnh so với năm ngoái, giá các mặt hàng xuất khẩu khác cũng sẽ giảm và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn có đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, giảm mạnh. Cùng với đó, ông Ân lưu ý rằng, khi đưa ra dự báo này, CIEM đã loại yếu tố tái xuất vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều này có vẻ là một thực tế, bởi trong 4 tháng đầu năm, việc kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do có sự đóng góp của trên 2,5 tỷ USD từ tái xuất vàng. Nếu trừ yếu tố này, thì kim ngạch xuất khẩu đã giảm tới 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là dầu thô, các loại nông sản cũng đã giảm mạnh, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Ba kịch bản mà CIEM đưa ra đều được dựa trên các giả định cụ thể. Với kịch bản cơ bản, giả định là giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ giảm mạnh, xấp xỉ 55 USD/thùng, giảm 50% so với năm 2008 theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Mỹ và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); giá xuất khẩu nông sản giảm 20%; sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam sẽ tăng 10%, nhưng chỉ có một phần được dành cho xuất khẩu, do kể từ tháng 2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động.
Với kịch bản lạc quan, giả định được đưa ra là giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng, giá xuất khẩu nông sản giảm 15%. Còn với kịch bản bi quan, giá dầu thô sẽ giảm tới 55% so với năm 2008, chỉ còn 40 USD/thùng.
Nhìn từ thị trường ngoài nước, trong những tháng đầu năm nay, đã có sự sụt giảm mạnh trong xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, nguy cơ sụt giảm lớn hơn nữa trong những tháng tới là rất lớn. Nếu không có những dấu hiệu tích cực, xuất khẩu của Trung Quốc và nhiều nước sẽ về mức âm 0% hoặc âm trong thời gian 10 tháng hoặc 1 năm tới. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả những nền kinh tế khác ở châu Á, trong đó có Singapore, Đài Loan và Việt Nam.
Hơn thế, thực tế cho thấy, vì xuất khẩu giảm sút, nên hầu hết các quốc gia đều thực hiện các chính sách khuyến khích xuất khẩu và bảo hộ mậu dịch, nhất là những nước trong khu vực, xuất khẩu các mặt hàng tương tự Việt Nam. Động thái này cũng làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn lớn.
Mặc dù vẫn có không ít yếu tố khiến dư luận kỳ vọng sự chuyển biến tích cực của xuất khẩu trong những tháng cuối năm, song dự báo của CIEM cho thấy, xuất khẩu là lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì thế, việc tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay cần phải được coi trọng hơn nữa.
Cùng với các dự báo về tốc độ tăng xuất khẩu, cộng thêm các giả định khác về giải ngân vốn FDI, về mức tăng trưởng kinh tế của các nhóm đối tác thương mại chính của Việt Nam, về sự biến động của cung tiền tệ..., CIEM cũng đã đưa ra các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ở kịch bản cơ bản là 4,69%, ở kịch bản lạc quan, là 5,56% và ở kịch bản bi quan là 3,39%.
Trao đổi về khả năng nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản nào, ông Đinh Văn Ân, cho rằng, về mặt lý thuyết thì kịch bản cơ bản là dễ xảy ra nhất. Tuy nhiên, xét về quan điểm cá nhân, ông Ân lại nghiêng về kịch bản lạc quan. "Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không phải là 'mắt' của khủng hoảng, mà chỉ chịu tác động do thu hẹp thị trường. Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên nhu cầu đầu tư, thị trường đầu tư vẫn rộng mở và hứa hẹn tăng trưởng.
Cầu có khả năng thanh toán của dân cư trên thực tế luôn cao hơn con số thống kê... Tất cả những yếu tố này là cơ sở để tôi nhìn nhận nền kinh tế diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn", ông Ân phân tích.
Ông Ân cũng lưu ý rằng, dự báo chỉ là dự báo, những diễn biến trong thực tại còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan khác, cũng như sự điều hành của Chính phủ. Điều quan trọng là phải lường hết các khó khăn thách thức để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội sau khủng hoảng.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com