Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá lúa giảm - vì sao?

Cho dù giá gạo xuất khẩu của thế giới từ đầu năm đến nay giảm đã tạo ra sức ép đẩy giá lúa gạo trong nước tụt dốc là một thực tế khách quan, song cũng không thể phủ nhận một thực tế khác là giá lúa gạo trong nước giảm hiện nay còn bắt nguồn từ chính những nguyên nhân trong nước. Nhận định này dựa trên bốn căn cứ chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, chúng ta đang có nguồn tiềm năng rất lớn để hạn chế tình trạng giá gạo xuất khẩu tụt dốc, nhưng hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa khai thác được tiềm năng này, còn nông dân thì đang “lãnh đủ”.

Bởi lẽ, như các số liệu thống kê của Tổ chức Lương Nông (FAO) về giá của cùng một loại gạo 25% tấm cho thấy, tuy vẫn phải chịu cảnh “chiếu dưới” giống như Pakistan so với Thái Lan, nhưng trong suốt 10 năm 1998-2007, thì giá của nước ta năm 2006 cũng tối đa chỉ thấp hơn của Thái Lan 20 đô la/tấn (tương đương 7,4%), nhưng khoảng cách này đã bắt đầu nới rộng thành 50 đô la/tấn (8,3%) năm 2008; đến năm 2009 tiếp tục doãng ra tới 76 đô la/tấn (16,5%). Còn tháng 1 năm nay đã được thu hẹp lại chỉ còn 52 đô la/tấn (10,3%), nhưng tháng 2 vừa qua lại tiếp tục nới rộng lên 84 đô la/tấn (17,3%).

Hơn thế, theo một nguồn thông tin khác, khoảng cách này vào cuối tuần vừa qua còn bị nới rộng lên tới 110 đô la/tấn (23,9%).

Hoặc xét trên bình diện rộng hơn, nếu loại trừ nhóm gạo Thai Hom Mali nổi tiếng với giá cao ngất ngưởng trong “rổ gạo xuất khẩu” lớn nhất thế giới của nước này để so sánh, thì trong năm năm 2003-2007, giá gạo xuất khẩu của nước ta tối đa cũng chỉ thấp hơn so với của Thái Lan 37,4 đô la/tấn, khoảng 12% (năm 2006), thậm chí trong năm sốt nóng giá gạo thế giới kỷ lục 2008 còn cao hơn của nước này 7,7 đô la/tấn (1,4%), nhưng năm 2009 rơi tự do mất 99,7 đô la/tấn (19,7%).

Từ thực tế đó, có thể cho rằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hoàn toàn có lý khi kiên quyết không hạ giá sàn xuất khẩu để “chữa trị căn bệnh bán rẻ những hạt vàng” của nước ta.

Tuy nhiên, không hạ giá sàn xuất khẩu đương nhiên lại là “con dao hai lưỡi”, mà “lưỡi thứ hai” chính là giảm khối lượng ký kết hợp đồng và giảm khối lượng xuất khẩu không chỉ hiện nay, mà chắc chắn còn cả trong những tháng sắp tới. Thế nhưng, trong điều kiện như vậy mà lại không ngay lập tức đẩy mạnh mua lúa của nông dân thì việc giá lúa của nông dân giảm chỉ là hệ quả tất yếu.

Nói cách khác, trong điều kiện giữ không cho giá gạo xuất khẩu tụt dốc một cách vô lý như thực tế nói trên, việc đẩy mạnh mua lúa gạo của nông dân với giá thỏa đáng sẽ bảo đảm được lợi ích hài hòa của cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân trồng lúa.

Việc các doanh nghiệp chỉ trong vòng chưa tới 10 ngày đầu tháng này đã hoàn thành 80% kế hoạch mua của tháng 3 và 50% kế hoạch chung cho cả hai tháng đã giúp cho giá lúa gạo trong nước ngừng giảm như một số phương tiện truyền thông đưa tin cách đây vài ngày đủ cho thấy điều đó.

- Thứ hai, cho dù chế định “lãi ít nhất 30%” có lẽ cũng còn những điều cần phải xem xét thêm, nhưng cấp bách trước mắt chính là việc nó chưa được cụ thể hóa, cho nên có thể cũng là nguyên nhân góp phần dẫn tới việc giá lúa gạo giảm.

Bởi lẽ, chỉ riêng việc nông dân đã bước vào vụ thu hoạch, nhưng đến tận ngày 12 vừa qua Thủ tướng vẫn còn phải yêu cầu các cơ quan hữu trách không chỉ công bố giá mua lúa bảo đảm lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất, mà còn phải ban hành quy định và hướng dẫn phương pháp xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa cũng đủ chứng tỏ rằng, các cơ quan hữu trách đã quá chậm chạp trong việc thực thi những yêu cầu mà Thủ tướng đã nói từ lâu, cho nên đang phải “tăng tốc để đuổi theo” thực tiễn đời sống kinh tế.

Hẳn nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể nói rằng mức giá 4.000 đồng/ki lô gam lúa mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua có bảo đảm cho nông dân lãi ít nhất 30% hay không, bởi phương pháp xác định “thước đo” vẫn chưa có, còn chính “thước đo” thì lại càng không, nhưng nếu như mức chuẩn 4.000 đồng/ki lô gam lúa do VFA “tự chế” này không đáp ứng được “lãi ít nhất 30%” thì đương nhiên nó đã thực hiện “sứ mệnh” kéo giá lúa xuống dưới mức tối thiểu và phần thiệt chỉ có thể thuộc về những người nông dân.

- Thứ ba, với mức giá sàn gạo 5% tấm xuất khẩu 440 đô la/tấn, còn giá mua lúa tại cửa kho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là 4.000 đồng/ki lô gam, dường như VFA đang “cuốc giật vào lòng”.

Bởi lẽ, với giá mua lúa chỉ tương ứng với khoảng 210 đô la/tấn như vậy, giá thành của một tấn gạo xuất khẩu (tính theo tỷ lệ 55% gạo/lúa) chỉ trên 380 đô la/tấn (chưa kể chi phí xay xát), hoặc tỷ trọng của giá lúa trong giá gạo xuất khẩu chỉ là 47,7%.

Đây chắc chắn là một tỷ trọng quá thấp, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu “ăn quá dày”. Bởi lẽ, như ở Thái Lan, với giá lúa 10.000 baht/tấn mà hiện chính phủ nước này đang bảo hiểm cho nông dân, tương ứng với 306 đô la/tấn, trong khi giá gạo 5% tấm xuất khẩu chỉ là 500 đô la/tấn, tỷ trọng của giá lúa trong giá gạo xuất khẩu lên tới 61,2%, còn nếu chiếu theo tỷ lệ của nước ta như nói trên, thì giá gạo xuất khẩu của nước này phải tăng đại nhảy vọt lên tới 641 đô la/tấn, hay phải tăng thêm 28,2%.

Do vậy, nếu cho rằng do “một ngàn lẻ một” nguyên nhân bất khả kháng hiện nay khiến nông dân nước ta chưa thể trực tiếp bán lúa cho các chủ doanh nghiệp xay xát, hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho nên tỷ trọng giá lúa của nông dân trong giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp chỉ có thể là 55% chẳng hạn (tức là vẫn thấp hơn của Thái Lan 6,2%), thì thay vì chỉ là 4.000 đồng/ki lô gam, nông dân phải bán được lúa với giá 4.500 đồng/ki lô gam.

Nói tóm lại, cho dù giá gạo xuất khẩu thế giới giảm là một thực tế khách quan và yếu tố này giống như một lớp vỏ bọc bên ngoài ép giá lúa gạo trong nước giảm, nhưng rõ ràng là những “nút thắt” bên trong mới đóng vai trò quyết định. Bởi lẽ, cho dù chỉ có thể “vùng vẫy trong lớp vỏ bọc” này, nhưng nếu gỡ được các nút thắt này thì giá lúa gạo trong nước có thể sẽ chỉ giảm nhẹ so với kỷ lục vào trước Tết Canh Dần vừa qua.

(Theo Nguyễn Đình Bích // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Kiềm chế nhập siêu: Không thể "đèn ai nấy rạng"
  • Giá giảm, đường vẫn tồn kho
  • Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước: Ngõ nhỏ cơ hội lớn
  • Sản lượng đường tăng sẽ ép giá giảm nữa
  • Quyết liệt kéo nhập siêu về mức 20%
  • Căng sức quản lý giá cả thị trường
  • Tự chủ kinh doanh xăng dầu: DN đối mặt với nghi ngại
  • VFA tính giá lúa quá thấp?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo