Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2010 của Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhập siêu quý 1/2010 ước đạt 3,6 tỷ USD và chiếm 25,6% kim ngạch xuất khẩu.
Biện pháp chủ yếu để giảm nhập siêu vẫn là tăng xuất khẩu, tận dụng triệt để cơ hội trên các thị trường - Ảnh minh họa |
Nhập siêu chưa bao giờ là tốt cho nền kinh tế. Chính vì vậy Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu khống chế nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo việc kiểm soát và giảm nhập siêu.
Vì sao chưa được như mong đợi?
Theo Bộ Công Thương, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Chẳng hạn, giá xăng dầu các loại tăng 48,2%, khí đốt tăng 44,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 43,2%; sợi các loại tăng 34,6%; phôi thép tăng 18,9%; kim loại thường tăng 53,0%...
Trong khi các mặt hàng công nghiệp trên thế giới có sự tăng giá trở lại khiến cho kim ngạch nhập khẩu các hàng hóa này vào Việt Nam gia tăng thì việc xuất khẩu lại chưa được như mong đợi, nhất là về giá.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng khá như dệt may (tăng 16,8%); sản phẩm gỗ đạt (tăng 29,2%); linh kiện điện tử (tăng 30,6%). Tuy nhiên, những mặt hàng này lại có tỷ lệ nguyên, vật liệu nhập khẩu cao. Và theo tính toán, riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng trên đã khiến kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 602 triệu USD.
Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại của nền công nghiệp trong nước vẫn chưa được khắc phục, nhiều công trình dự án được triển khai một cách ì ạch, sự lệ thuộc quá mức vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, tâm lý sính ngoại của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước v.v… là những nguyên nhân khác nữa làm cho việc kiểm soát nhập siêu vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Không để nhập siêu tăng cao
Tại buổi giao ban trực tuyến tháng 2 của Bộ Công Thương, ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trọng tâm trong tháng 3 và từ nay đến cuối năm 2010 là tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và khống chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc kiềm chế nhập siêu không chỉ là vấn đề hoàn thành nhiệm vụ mà còn liên quan đến nhiều vấn đề như cân đối vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối, ngân hàng...
Việc Tổng cục Hải quan mới đây đã bổ sung 3 mặt hàng là kính xây dựng, vải các loại và điện thoại di động vào Danh mục hàng hóa cần quản lý rủi ro và tăng Bảng giá tối thiểu tính thuế đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, rượu, bia vào thời điểm hiện nay cho thấy việc chống nhập siêu nay đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Dù giá của mỗi chiếc điện thoại thường ở mức không cao nhưng với số lượng lớn điện thoại sử dụng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng không dưới 2 - 3 tỷ USD mỗi năm. Cuối năm 2009, điện thoại di động cũng từng được Bộ Công Thương kiến nghị đưa vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế nhập khẩu.
Việc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu không thiết yếu là cần thiết bởi vừa đạt được mục tiêu giảm nhập siêu, vừa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, sản xuất trong nước có thêm giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hạn chế nhập siêu bằng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng kể trên, ở chừng mực nào đó có tác dụng, song sẽ không đóng vai trò quyết định. Bởi đây đều là các mặt hàng tiêu dùng, lượng và giá trị nhập khẩu chủ yếu do cung cầu trong nước quyết định. Biện pháp chủ yếu để giảm nhập siêu theo các chuyên gia vẫn là tăng xuất khẩu, tận dụng triệt để cơ hội trên các thị trường.
Giải pháp trước mắt để giảm nhập siêu, theo GS-TS Võ Thanh Thu (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) là các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các chuyên gia quốc tế để xây dựng các rào cản thương mại phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, sử dụng có hiệu quả các rào cản phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu…
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó có hiệu quả các vụ kiện quốc tế, đồng thời khởi kiện đối với các hoạt động nhập khẩu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Còn về dài hạn, cần thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng điểm, kêu gọi và có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài vào VN xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, nhựa…
Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư duy trì chất lượng hàng hóa, bởi việc hàng Việt Nam chinh phục được người sử dụng (cả trong nước và xuất khẩu) sẽ góp phần giúp tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, dẫn tới giảm nhập siêu.
Các ngành, các doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ
Tại cuộc họp bàn về biện pháp kiềm chế nhập siêu với các tập đoàn và các tổng công ty hôm nay (25/3), đại diện các doanh nghiệp cũng chứng tỏ sự quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiểm soát nhập siêu.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Kiên cho biết, Petrolimex phối hợp với Petrovietnam tích cực tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện hai bên đã ký hợp đồng dài hạn mua 1 triệu m3 sản phẩm. Theo ông Kiên, xăng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chiếm 31% cơ cấu xăng nhập khẩu và diesel chiếm 7%. Vì vậy để góp phần giảm nhập siêu, quý II/2010 Petrolimex tiếp tục xem xét giảm nhập khẩu tối đa.
Đối với ngành Hóa chất, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Gia Tường cho biết, Tập đoàn đang tập trung đưa Nhà máy sản xuất đạm DAP Hải Phòng vào sản xuất ổn định và nghiệm thu. Với sản lượng 200.000 tấn DAP trong năm 2010 sẽ góp phần giảm nhập khẩu DAP.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo, sản lượng giấy năm 2010 dự kiến tăng 30% do có nhiều dự án đưa vào vận hành, điều này góp phần giảm giấy nhập khẩu xuống còn bằng 98% so với năm 2009.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Bộ đang cùng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính rà soát lại một loạt dòng thuế theo hướng tăng thuế với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần tận dụng tối đa sự phân cấp của Chính phủ trong việc ủy quyền cho chủ đầu tư chỉ định thầu các dự án trong năm 2010 cần ưu tiên sử dụng máy móc thiết bị trong nước sản xuất dưới dạng chỉ định thầu.
(Theo Công Trí - Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com