Trong bài viết mới đây đăng trên hãng thông tấn Roi-tơ, tác giả M.Rát-xlinh nêu hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế tại Mỹ phân tích những nguyên nhân "lái" giá xăng, dầu thế giới.
Bài báo viết: Mặc dù giá dầu thế giới giảm nhẹ cuối tháng 6, nhưng các chuyên gia kinh tế lão luyện tại Oa-sinh-tơn tiếp tục tranh cãi rằng, liệu giá dầu mỏ thế giới sẽ giảm hay nó lại tiếp tục tăng chóng mặt trong nay mai. Họ cũng đang cân nhắc những lý do, từ sự suy thoái kinh tế cho đến những sự xáo động ở Trung Ðông và châu Phi, để giải thích việc vì sao giá dầu có thể xoay theo chiều này hoặc đảo theo chiều khác. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất cho rằng, sự đầu cơ "làm giá" cho xăng, dầu. Giả thuyết này phân tích như sau: Các nhà đầu cơ, thường là các nhà đầu tư lớn, "bơm" tiền mua hàng hóa, trong đó có xăng, dầu khi họ không chắc chắn đặt cược ở thị trường chứng khoán. Họ phán đoán, suy thoái kinh tế có thể đã chạm đáy và đang trên đà hồi phục mạnh, do đó, nhu cầu về xăng, dầu sẽ tăng và họ đẩy giá xăng, dầu lên để trục lợi.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng quan điểm trên là sai lạc.
Một số ý kiến khác cho rằng, "cung" và "cầu" là những nhân tố chính quyết định giá cả xăng, dầu.
Trong khi đó, chuyên gia M.Xim-mơn, người đồng sáng lập hãng Simmons & Co dự đoán, giá dầu trong năm tới sẽ tăng gấp ba lần mức hiện nay. Ông dẫn chứng, khi sản xuất xăng, dầu giảm, nguồn cung bị thắt chặt thì giá dầu sẽ tăng. Các nhà sản xuất sẽ không có đủ khả năng để tăng nguồn cung nhanh kịp nhu cầu về dầu mỏ tăng đột biến trong thời gian tới. Do vậy, giá dầu mỏ sẽ tăng tới 200 USD/thùng vào năm 2010.
Một số chuyên gia khác lập luận, nhu cầu của Mỹ đối với việc nhập khẩu hàng hóa ít đi sẽ dẫn đến nhu cầu của thế giới đối với dầu mỏ giảm sút theo. Ðiều này khiến giá xăng, dầu giảm.
Một số nhà phân tích lại nói, đồng USD mạnh sẽ quyết định giá xăng, dầu và họ nhìn đồng USD để dự đoán xu hướng tăng giá mặt hàng này. Nhóm này kết luận, khi giá USD yếu, giá xăng, dầu sẽ tăng và khi giá USD mạnh, giá dầu lại giảm.
Một số chuyên gia cho rằng, các sự kiện địa chính trị cũng tạo ảnh hưởng đối với sự lên xuống của giá xăng, dầu. Những người này viện dẫn, tình hình bạo lực leo thang ở miền nam Ni-giê-
ri-a, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nơi các tay súng nổi dậy tìm cách chia sẻ nguồn lợi từ nguồn dầu mỏ của đất nước hoặc tại I-ran, nơi những người ủng hộ phe đối lập tổ chức các cuộc tuần hành rầm rộ phản đối kết quả bầu cử ở nước này có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và đẩy giá dầu lên.
Bài báo cũng nêu những dẫn chứng cho thấy việc giá dầu mỏ tăng tác động khác nhau ở mỗi quốc gia. Trong khi tại Mỹ hoặc Ca-na-đa, những nước có dân số sống rải rác và người dân có thói quen sử dụng xe ô-tô nhiều thì chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, nhất là đối với ngành giao thông vận tải. Ngược lại, tại Trung Quốc và Ấn Ðộ, những nước có dân số đông nhưng sống tập trung hơn sẽ chịu tác động ít hơn. Ngoài ra, những nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu sẽ bị giảm lợi nhuận do giá vận chuyển hàng hóa tăng.
Bài báo trích một số chuyên gia kết luận, không nên thổi phồng những lo ngại về giá cả xăng, dầu bởi hiện tại giá mặt hàng này dao động khoảng
60 - 70 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so mức năm ngoái (từng lên đến gần 150 USD/thùng vào tháng 7, là mức cao nhất kể từ khi mặt hàng này được đưa vào giao dịch kỳ hạn tại thị trường Niu Oóc vào năm 1983).
(Theo PHONG VŨ // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com