Nhập siêu tháng 9 được xác định khoảng 870 triệu USD, cộng với 2 tháng trước, các cơ quan thống kê và quản lý kinh tế nhận định, nhập siêu cả năm nay sẽ vào khoảng 13,5 tỉ USD.
Nếu chỉ xét cho năm nay thì có thể thấy sẽ hoàn thành mục tiêu giữ nhập siêu thấp dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng nếu nhìn rộng hơn, kể từ khi mở cửa ngoại thương, Việt Nam đã có tới 19 năm phải nhập siêu. Và khi đem mổ xẻ những nguyên nhân của vấn đề này, người ta vẫn cứ thấy những lý do đã từng được chỉ ra rất rõ từ nhiều năm trước, và đến bây giờ… vẫn vậy.
Trong năm 2010, Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 13,5 tỷ USD. Con số này bản thân nó là lớn, thế nhưng nếu đem so sánh, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mức độ ghê gớm của nó.
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên chương trình kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng: “Việt Nam chỉ có 87 triệu dân, Ấn Độ có 1,3 tỷ dân mà cùng nhập siêu từ Trung Quốc một con số bằng nhau. GDP của Ân Độ gấp 17, 18 lần Việt Nam mà lại nhập siêu bằng Việt Nam. Việt Nam nhập siêu nhiều hơn hẳn các nước Đông Nam Á khác”.
Tại sao Việt Nam lại nhập siêu nhiều thế? Câu trả lời đầu tiên và đơn giản nhất là do Việt Nam có nhu cầu lớn về các mặt hàng từ nước ngoài.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế TP.HCM: “Một trong các nguyên nhân chính là chúng ta mở rộng đầu tư, phải nhập máy móc thiết bị, phụ thuộc nguyên liệu vật liệu, dẫn tới tình trạng nhập siêu cao”.
Đồng ý rằng, cần phải nhập các mặt hàng công nghệ cao từ nước ngoài, những thứ mà Việt Nam chưa làm được cho phát triển kinh tế, thế nhưng nhiều mặt hàng như gạo, rau quả, thậm chí đến tăm tre và miếng rửa bát cũng phải nhập thì thật bất hợp lý. Vấn đề không phải do người Việt Nam không làm nổi những thứ hàng hóa đó. Tỷ giá đồng tiền chưa hợp lý là nguyên nhân các học giả của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigt đưa ra.
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên chương trình kinh tế Fulbright Việt Nam: “Tôi dẫn ra một số ý kiến của những người có uy tín: Tiến sỹ Võ Đại Lược cho rằng, đồng USD định giá cao hơn đồng NDT là 30%. Tiến sỹ Lê xuân Nghĩa thì xác định Đồng VN được định giá cao cao hơn đồng USD 15%, có nghĩa là đồng VN đang bị định giá cao hơn đồng NDT xấp xỉ 60% và cũng có nghĩa là, cùng một loại hàng hóa sản xuất, thì chi phí ở VN cao hơn 60% so với ở Trung Quốc”.
Điều đó có nghĩa là, dù cho nhân công Việt Nam rẻ hơn, tre ở Việt Nam rất sẵn, sản phẩm nông nghiệp rất nhiều, công nghệ của Việt Nam có thể bằng hoặc hơn Trung Quốc trong việc sản xuất các mặt hàng đơn giản, nhưng với tỷ giá như thế thì hàng Việt vẫn thua khi cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.
Ông Trần Hoàng Ngân, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế TP.HCM: “Vấn đề tỷ giá cũng là yếu tố tác động tới nhập siêu, nhưng không phải là vấn đề cơ bản. Vì đồng tiền VN liên tục mất giá nhưng nhập siêu lại tăng lên, năng lực cạnh tranh của VN hiện nay yếu, chưa có sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Hàng rào kỹ thuật kém dẫn đến nhiều hàng ngoại tràn lan”.
Ông Trần Du Lịch, Tiến sỹ kinh tế: “Chúng ta dựa chủ yếu vào công nghiệp gia công. Đó là nhập rồi xuất, con lợn của ta cũng ăn bằng hàng ngoại, các ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển được. Chúng ta kéo dài quá lâu cái giai đoạn 1 trong 4 giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa”.
Trầm trọng hơn là Việt Nam xuất gạo, xuất điều, xuất tôm, bán cá nhưng nhập về không ít hàng xa xỉ như xe hơi sang trọng, điện thoại đắt tiền. Tâm lý sính hàng ngoại còn ăn sâu vào đầu óc người Việt, khiến cho những đồng ngoại tệ ít ỏi thu được lại chảy ra nước ngoài với tốc độ nhanh gấp nhiều lần.
(VTV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com