Hàng nông, lâm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó bứt phá, nếu không nâng cao chất lượng |
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa tháng 12/2009, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt gần 15 tỷ USD, trong đó nông sản đạt trên 8 tỷ USD, thuỷ sản trên 4 tỷ USD, lâm sản trên 2 tỷ USD
Có thể nói, tổng thể “bức tranh” xuất khẩu nông sản năm2009 là sự đan xen giữa các gam màu sáng tối, đó là sự vượt trội về lượng của một số mặt hàng (đơn cử như gạo, xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt hơn cả năm 2008), và sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch của nhóm hàng nông sản chủ lực.
Năm 2009, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gạo, thuỷ sản, đồ gỗ, cao su đều giảm. Một số mặt hàng có mức tăng đột biến so với năm 2008 là hạt điều (đạt kim ngạch 850 triệu USD), rau quả (ước đạt 350 triệu USD), chè (ước đạt 180 triệu USD), đáng chú ý là mặt hàng sắn xuất khẩu đạt kỷ lục với kim ngạch đạt 800 triệu USD..., tuy nhiên, mức tăng của các mặt hàng này không bù được cho sự sụt giảm của nhóm hàng nông sản chính trong xuất khẩu nông sản.
Theo nhận định, nguyên nhân chính khiến giá nông sản trên thị trường giảm sút là do sức cầu sụt giảm tại các thị trường chủ lực.
Theo bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt nam (VRA), lượng cao su xuất khẩu năm 2009 tăng 5.000 tấn, nhưng trị giá trị lại giảm trên 300 triệu USD so với năm 2008.
Tương tự, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, khối lượng xuất khẩu năm 2009 là trên 1 triệu tấn, nhưng kim ngạch chỉ đạt 1,8 tỷ USD, so với lượng xuất khẩu của năm 2008 là 1 triệu tấn, nhưng kim ngạch đạt tới 2,2 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chè năm 2009 tăng khoảng 40 triệu USD so với năm 2008, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), sự gia tăng là do lượng, không phải là sự cải thiện về giá, vì giá chè xuất khẩu của Việt Nam trung bình bằng 50% so với giá của thế giới.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngoài lý do sức mua của nhiều thị trường đều bị giảm so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm là vì giá trị các hợp đồng xuất khẩu đều giảm 10% theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Tuy vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả năm 2009 ước vẫn bằng năm 2008 (đạt xấp xỉ 2,8 tỷ USD). Sở dĩ đạt được con số này là do xuất khẩu tăng ở nhóm hàng lâm sản ngoài gỗ và gỗ chế biến.
Sự tăng giá trở lại của một số mặt hàng nông sản từ đầu tháng 11 đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu tới hàng triệu USD, như gạo tăng 200 USD/tấn, cao su tăng trên 200 USD/tấn, hồ tiêu tăng từ 39-180 USD/tấn... mặc dù vậy, vẫn thấp hơn nhiều so năm 2008. Cụ thể như giá cà phê thấp hơn 600 USD/tấn; giá cao su thấp hơn 1.000 USD/tấn; giá gạo thấp hơn 204 USD/tấn... so với năm trước.
Chất lượng là then chốt
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhận định, năm 2010 xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sẽ trở nên khó khăn hơn, do không chỉ chịu tác động từ xu hướng siết chặt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, mà còn do các quy định, đạo luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong bối cảnh đó, sự thiếu ổn định về chất lượng một số mặt hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam khiến cho mối lo ngại về nguy cơ mất thị trường càng trở nên căng thẳng.
Theo ông Quyền, đạo luật “Sử dụng sản phẩm an toàn” của Hoa Kỳ quy định cực kỳ khắt khe, chẳng hạn như cấm 200 hoá chất không được sử dụng trong các loại vải, trong khi các DN đồ gỗ sử dụng rất nhiều vải trong các sản phẩm xuất sang Hoa Kỳ, nhưng lại rất “lơ mơ” về quy định này.
Đạo luật FLEGT của EU (có hiệu lực từ 2011) quy định tất cả các chuyến hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường EU chỉ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra nguồn gốc xuất xứ . Đây là một khó khăn rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam, bởi không phải quốc gia, vùng lãnh thổ nào bán gỗ cho Việt Nam cũng thực hiện đầy đủ những quy định, trong khi việc nhập khẩu nguyên liệu của các DN Việt Nam lại vô cùng phức tạp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài việc phải đương đầu với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các vụ kiện chống phá giá, thuỷ sản Việt Nam còn gặp khó khăn lớn vì vấp đạo luật Farm Bill của Mỹ.
Bên cạnh đó, là quy định IUU có hiệu lực từ 1/1/2010, bắt buộc mỗi lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang EU phải tuân thủ quy định về khai thác hợp pháp, đó là phải có cam kết của nhà máy chế biến về nguồn gốc sản phẩm, Giấy chứng nhận khai thác, bản sao giấy chứng nhận khai thác. Các giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu xét duyệt trước khi hàng về đến cửa khẩu của nước đó.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định, các mặt hàng nông, lâm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó bứt phá, nếu không nâng cao chất lượng. Theo ông Phương, để đáp ứng các quy định quốc tế, cần có các chính sách đồng bộ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng sản xuất manh mún, công nghệ chế biến thô sơ, mối quan hệ phức tạp giữa sản xuất - thu mua, năng lực chế biến và khả năng cung ứng nguyên liệu, ý thức của DN, người sản xuất... “Để làm được việc này, cần hoàn thiện về khung pháp lý, chính sách hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa cộng đồng các DN, hiệp hội, cơ quan chính sách...”.
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com