Quan sát thị trường ô tô trong nước, nhiều người đã mỉa mai: "Ô tô VN quá nhiều cái nhất. Không chỉ đắt nhất mà mua cũng khó nhất và chất lượng thì cũng thấp... nhất".
Giá ô tô tại thị trường VN luôn đắt nhất thế giới - Ảnh. D.Đ.M |
Giá xe bán tại thị trường trong nước được xếp vào hàng đắt nhất thế giới thì ai cũng biết.
Chiếc Toyota Corolla Altis 1.8 MT sản xuất lắp ráp trong nước được bán tại thị trường nội địa với giá trên 32.000 USD, nhưng xe cùng loại bán ở nước ngoài với giá chỉ khoảng 15.000 USD.
Tương tự xe Toyota Camry 2.4 ở trong nước giá lên tới xấp xỉ 50.000 USD nhưng ở nước ngoài chỉ có trên 20.000 USD, xe Camry 3.5 trong nước là hơn 68.000 USD còn giá trên thị trường quốc tế khoảng 25.000 USD.
Chuyển lãi sang công ty mẹ?
Giá xe cao ngất ngưởng nhưng chất lượng lại thấp hơn xe nhập khẩu. Các liên doanh lắp ráp xe trong nước lý giải, giá ô tô đắt vì phải chịu nhiều khoản thuế quá cao. Tuy nhiên, kết quả thanh tra 6 DN liên doanh trong lĩnh vực ô tô của Bộ Tài chính mới đây cho thấy không phải như vậy.
Các thanh tra viên đã bóc tách tất cả các loại thuế mà Nhà nước thu để so sánh giá xe trong nước lắp ráp và xe nhập khẩu. Cụ thể là vào ngày 18.11.2008, xe Toyota Corolla 1.8 MT sản xuất trong nước (đã trừ các loại thuế) có giá 19.523 USD, trong khi xe cùng loại bán tại nước ngoài là 15.350 USD. Xe Toyota Camry 2.4 trong nước là 29.539 USD, còn xe cùng loại trên thế giới thấp nhất là 20.195 USD và cao nhất là 25.575 USD. Xe Camry 3.5 trong nước là 38.510 USD, còn giá trên thị trường quốc tế thấp nhất là 24.215 USD và cao nhất là 28.695 USD.
Với mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp ô tô trong nước để đến năm 2010 đạt mức tỷ lệ nội địa hóa 60%, từ năm 2004 đến nay Chính phủ đã dành nhiều ưu đãi về thuế cho các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô. Mục tiêu thì như vậy nhưng trên thực tế thì chủ trương xây dựng nền công nghiệp ô tô nội địa đã bị phá sản, sau hơn 10 năm ưu đãi đã "đẻ" ra một nền công nghiệp lắp ráp, làm thuê. Suốt hơn 10 năm qua, Nhà nước thì giảm tiền thu được từ thuế, người dân thì chịu thiệt vì xe đắt và chất lượng thấp nhưng các liên doanh lại hưởng lợi rất lớn. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, đến cuối năm 2008, DN sản xuất lắp ráp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cũng chỉ đạt 7%, còn lại là phổ biến ở mức 3 - 5%. |
Trong khi đó, các liên doanh lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện. Có ý kiến cảnh báo về hiện tượng chuyển giá (chuyển lãi sang công ty mẹ) trong các liên doanh ô tô. So sánh về các mức giá trên cho thấy, hiện tượng chuyển lãi sang công ty mẹ là hoàn toàn có thể xảy ra, vì các linh kiện đều được nhập khẩu từ công ty mẹ. Ngay từ khi xuất khẩu linh kiện, công ty mẹ có thể ghi giá cao hơn để hưởng lợi, và việc kiểm soát hiện tượng này là rất khó.
Tạo ra "sốt" giả để kiếm lời?
Trước những diễn biến hiện tại, ô tô trong nước còn được bổ sung thêm một cái nhất, đó là khó mua nhất.
Mất cả ngày đi khắp các đại lý bán xe của Honda, Toyota nhưng anh Hoàng Văn Minh, nhà ở khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) đều bị các cửa hàng từ chối nhận đặt cọc. Theo anh Minh, phần lớn nhân viên các đại lý đều có chung một câu trả lời cho khách hàng là: "Không biết chính xác khi nào mới có xe giao".
Anh Trần Hồng Khanh, ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, đứng trước đại lý Toyota Giải Phóng (Hà Nội) than vãn: "Mấy hôm đi tìm mua xe mà tôi cứ nhớ lại thời bao cấp. Mua xe ô tô mà phải ghi sổ xếp hàng chờ, mà chờ còn lâu hơn nhiều thời bao cấp, đợi từ năm này qua năm khác mới đến lượt".
Muốn không phải chờ đợi lâu thì vẫn có cách, khách hàng mua lại chiếc xe với những món đồ chơi được lắp thêm, so với bên ngoài thì giá của những đồ chơi này đắt hơn gấp vài lần. Tính chi li, người mua bị "móc túi" khoảng 2.000 USD đến 3.000 USD so với giá công bố cho mỗi chiếc xe.
Giải thích về tình trạng... cháy hàng, các nhà sản xuất cho rằng do người dân mua xe để "chạy thuế", vì hết ngày 31.12.2009 các chính sách ưu đãi về thuế VAT, phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô sẽ hết hiệu lực. Người tiêu dùng sẽ phải nộp thêm 50% thuế VAT và 50% phí trước bạ.
Nhưng thực tế, không phải đến thời điểm này thị trường ô tô mới "bốc hỏa". Cách đây 5 tháng, người dân cũng đã thấy khó khăn trong việc mua xe. Vào tháng 5.2009, khi đi mua xe nếu không bỏ ra 2.000 - 3.000 USD thì khách hàng khó có cơ hội nhận được xe trong năm 2009.
Vấn đề đặt ra là tại sao trong bằng đấy tháng, nhà sản xuất không tìm cách đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với khoảng thời gian đó, việc nhập khẩu linh kiện hoàn toàn có thể thực hiện được. Ở đây chỉ có thể giải thích rằng, nhà sản xuất đã cố tình tạo ra "sốt" giả để kiếm lời. Sản xuất ít nhưng vẫn giữ được giá bán cao thì hơn nhiều so với sản xuất nhiều mà hạ giá bán.
Không nên tiếp tục ưu đãi
Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ lựa chọn loại 6-9 chỗ ngồi, có dung tích dưới 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 làm dòng xe chiến lược.
Theo Bộ Công thương, đây là loại xe phù hợp thị hiếu, đặc điểm sử dụng ô tô ở VN, vừa chở được nhiều người, đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng khác nhau như đi làm, đi chơi cùng cả gia đình, bạn bè, chở hàng hóa, kinh doanh. Và tất nhiên, vì là xe chiến lược nên đi kèm với nó phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, như áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp nhất, giảm thuế thu nhập DN... Mục đích của ưu đãi là để các DN sản xuất nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra những sản phẩm có giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ưu đãi để đa số người dân được hưởng lợi, để có một nền công nghiệp ô tô nội địa thì bất cứ ai cũng khuyến khích và mong chờ nhưng ngược lại khi đã ưu đãi quá nhiều nhưng kết quả mang lại quá tệ thì cần phải xem xét, thậm chí là phải xem xét cả trách nhiệm của những người thực hiện.
(Theo Xuân Toàn // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com