Giá hàng xuất khẩu giảm mạnh, gây thiệt hại lớn về kim ngạch. Ảnh: Đức Thanh |
Nếu mức nhập siêu bình quân tháng trong 2 tháng tới bằng với tháng 10 vừa qua, thì nhập siêu cả năm nay sẽ ở mức gần 12,6 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả tích cực và khả quan trên, một vấn đề đáng quan ngại là nhập siêu hiện ở mức cao và cả năm có thể vượt dự kiến.
Từ các số liệu trên, có thể rút ra một số nhận xét đang lưu ý:
Thứ nhất,nếu như 3 tháng đầu năm xuất siêu, thì từ tháng 4 đến nay đã liên tục nhập siêu.
Thứ hai, 3 tháng đầu năm xuất siêu chủ yếu do hai yếu tố.
Yếu tố thứ nhất, sản xuất và tiêu dùng ở trong nước do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới bị co lại, làm cho nhu cầu nhập khẩu bị giảm đi. Mức nhập khẩu bình quân 1 tháng trong quý I ở mức 4.187 triệu USD, là mức rất thấp không chỉ so với các tháng đầu năm 2008 mà còn so với các tháng sau đó khi sản xuất và tiêu dùng ở trong nước thoát đáy vượt dốc đi lên.
Yếu tố thứ hai là tái xuất vàng. Từ nửa đầu năm 2008 trở về trước, vàng được nhập khẩu với khối lượng lớn (theo ước tính số luỹ kế lên đến trên dưới 800 tấn, tương đương với khoảng 23- 24 tỷ USD tính theo giá hiện tại), hầu như không có xuất khẩu.
Từ nửa cuối năm 2008 đến nay vàng nhập khẩu bị dừng lại, trong khi từ đầu năm 2009 xuất khẩu vàng được đẩy mạnh. Nếu không có tái xuất vàng, thì quý I nhập siêu (2,5 tỷ USD) chứ không phải xuất siêu (1,5 tỷ USD).
Thứ ba,mức nhập siêu từ tháng 4 đến nay đã ở mức 1.453 triệu USD/tháng, tính chung 10 tháng đã ở mức 8.783 triệu USD. Nếu mức nhập siêu bình quân 1 tháng trong 2 tháng tới bằng với tháng 10 thì cả năm sẽ ở mức gần 12,6 tỷ USD.
Thứ tư,nguyên nhân nhập siêu xuất phát từ xuất khẩu và nhập khẩu.
Về xuất khẩu, từ tháng 4 đến nay, bình quân 1 tháng chỉ đạt 4.579 triệu USD, không những thấp hơn tháng 2, tháng 3 của năm nay, mà còn thấp hơn cả cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 46.336 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; nếu không kể tái xuất vàng thì còn giảm 18,7%.
Xuất khẩu giảm, ngoài những hạn chế, bất cập vốn có (như hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, trong cơ cấu hàng xuất khẩu tỷ trọng hàng nguyên liệu thô khai thác, hàng nông thuỷ sản khác chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế, hàng chế biến mang nặng tính gia công) còn do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu về nhiều mặt.
Thị trường xuất khẩu lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản,...) bị sụt giảm; thị trường mới tuy tăng khá, nhưng do tỷ trọng còn nhỏ nên không tác động lớn đến tốc độ chung. Giá hàng xuất khẩu giảm mạnh, gây thiệt hại lớn về kim ngạch.
Chỉ với 9 mặt hàng là cao su, cà phê, xăng dầu, than đá, hạt điều, hạt tiêu, chè do giá giảm đã làm giảm 8.219 triệu USD, bằng 44,6% kim ngạch xuất khẩu của cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ giảm kim ngạch của những mặt hàng này (30,5%). điều đó có nghĩa là, tổng kim ngạch giảm của những mặt hàng trên hoàn toàn do giá giảm, còn lượng tăng tới 25,5%!
Về nhập khẩu, tuy tổng kim ngạch giảm mạnh hơn xuất khẩu (giảm 21,7%), nhưng mức giảm đã ít hơn trong các tháng đầu năm.
Trong khi các mặt hàng liên quan đến đổi mới thiết bị, kỹ thuật- công nghệ, đến nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất kim ngạch lại giảm nhiều hơn các mặt hàng tiêu dùng hoặc liên quan đến tiêu dùng.
Kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ giảm 13%, hoá chất giảm 15,2%, phân bón giảm 18,1%, bông giảm 15,2%, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 23,2%, sắt thép giảm 30,7%,...; còn sản phẩm hoá chất giảm 9,5%, sản phẩm chất dẻo giảm 11,6%, vải giảm 8,6%, ô tô nguyên chiếc giảm 3,4%, xe máy nguyên chiếc giảm 2,8%.
Đó là chưa kể hàng hoá mỹ phẩm, điện thoại di động, nhiều hàng cao cấp khác.
Thứ năm, nhập siêu cao không chỉ cạnh tranh với sản phẩm sản xuất trong nước, “cản” đường hàng quay về với thị trường trong nước, hút một lượng đáng kể vốn kích cầu..., mà còn tạo ra áp lực mất cân đối cán cân thanh toán, giảm dự trữ ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá...
Nếu tỷ giá tăng sẽ tạo điều kiện cho nhập khẩu lạm phát khi lạm phát thế giới tăng, làm cho lạm phát ở trong nước bị “khuếch đại”.
(Theo Minh Nhung // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com