Hàng trăm tấn vải thiều, thanh long nằm chờ hỏng tại cửa khẩu
Vải thiều đang vào mùa và trong khi các chợ vải thiều ở Lục Nam, Lục Ngạn của Bắc Giang và hàng chục vựa vải thiều trải khắp miền Bắc đang mua bán rầm rộ thì ở cửa khẩu tỉnh Lào Cai - cửa ngõ chính để xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang khu Vân Nam (Trung Quốc) theo đường tiểu ngạch - hàng trăm xe tải chở vải thiều bị ách tắc, giá bị tư thương Trung Quốc ép xuống chỉ còn một nửa so với cách đây vài tuần.
Tự mình hại ta
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 8 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) xác nhận, tình trạng ách tắc vải thiều ở cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã xảy ra 3 - 4 hôm và cho đến tận chiều 11-6, vẫn còn hàng trăm ô tô, xe ba gác, xe thô sơ chở vải tươi nằm chờ thông quan dọc đường Nguyễn Huệ dài hơn 1km cho đến tận trạm kiểm soát cửa khẩu, xe nào cũng lặc lè quả vải tươi.
Theo ông Tuân, nguyên nhân vải bị ùn ứ là do đang là thời điểm chính vụ thu hoạch nên trung bình mỗi ngày có 200-300 tấn quả vải tươi từ khắp miền Bắc chở lên Lào Cai để chờ xuất sang Trung Quốc, có ngày cao điểm lên tới 400 tấn, trong đó chủ yếu là quả vải được thu gom từ 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.
Trước đó vài ngày, mặc dù vẫn đang mua vải của Việt Nam với giá 4-5 NDT/kg (khoảng 12.000-13.000 đồng) song khi phát hiện lượng vải đang đổ dồn về cửa khẩu, tư thương Trung Quốc đã liên minh lại để ép giá và hiện chỉ mua với giá khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.
Do bị ép giá, thị trường xuất khẩu khó khăn nên giá vải bị ép xuống chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ còn 3.000 đồng/kg. Ảnh: P.HẬU |
Theo ông Đoàn Đình Khôi, Trưởng ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Lào Cai, mặc dù các cơ quan chức năng của Lào Cai đã tạo mọi điều kiện về thủ tục thông thoáng, sắp xếp bến bãi, phân luồng giao thông, kể cả làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, ách tắc nhưng lượng hàng có thể đưa sang Trung Quốc vẫn chậm, trung bình chỉ đạt khoảng 200 tấn/ngày.
Trong khi, có mang vải sang được bên Trung Quốc thì nhiều chủ xe, chủ doanh nghiệp sau đó vẫn đành bán đổ bán tháo để về với giá chỉ bằng giá thu gom ngay ở vườn vải (giá mua đổ xô là 4.000 đồng/kg), vì vải thiều không thể để lâu được.
Trong những ngày nhiệt độ lên 37-38 độ C như vừa qua, vải ướp đá cũng chỉ để được thêm khoảng 1-2 ngày là hỏng. Trong khi các chủ xe và tư thương đã phải bỏ ra khá nhiều chi phí như tiền thuê cân, đóng hộp, bốc xếp lên xe, tiền mua đá ướp, lệ phí bến bãi… nên khi bị ép giá thì lỗ nặng.
Theo ông Khôi thì nguyên nhân sâu xa là do kể từ khi Trung Quốc áp dụng hai chính sách áp thuế: một là chính sách thuế quan và hai là chính sách thuế biên mậu. Với chính sách thuế biên mậu, nước bạn giao cho chính quyền địa phương thu để tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và mức thuế này chỉ bằng một nửa so với chính sách thuế quan nói chung, song chỉ áp dụng với cư dân ở gần cửa khẩu khi nhập khẩu lô hàng hóa vào Trung Quốc với giá trị dưới 8.000 NDT. Do đó, để lợi dụng chính sách thuế biên mậu, chi phí thấp, chủ hàng của Việt Nam khi đưa vải lên Lào Cai cũng tổ chức bốc hàng xuống rồi đóng vào xe thô sơ, xe cải tiến để chở sang Trung Quốc, dẫn đến tình trạng lộn xộn, quá tải ở khu cửa khẩu, ách tắc xảy ra.
Nông sản vướng rào cản kiểm dịch
Câu chuyện ép giá do hàng hóa đổ xô lên cửa khẩu đã từng xảy ra với sắn lát xuất sang Trung Quốc qua hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai hồi đầu năm và mới đây là chuối, dưa hấu ở miền Trung đưa ra cửa khẩu Tân Thanh… thì giờ đây lại đến vải thiều, một sản vật mà người Trung Quốc rất ưa chuộng, bị ép giá. Không chỉ thế, trong số 5 loại trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sắp bị “rào cản” kiểm dịch (bắt đầu từ 1-7) có trái thanh long.
Theo thông tin từ các ngành chức năng thì thời điểm khai báo nguồn gốc xuất xứ vùng sản xuất, cơ sở thu mua đóng gói cho phía Trung Quốc là vào ngày 1-7 tới. Thế nhưng các nhà vườn, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận vẫn chưa nghe cơ quan quản lý nhà nước địa phương nói gì. Doanh nghiệp tư nhân Châu Huy (xã Hàm Minh - Hàm Thuận Nam), chuyên thu mua, xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc bằng đường bộ gần như bất ngờ khi hay tin này. Theo doanh nghiệp Châu Huy, nếu không có sự chuẩn bị thì chắc chắn khó thực hiện theo đúng yêu cầu của đối tác.
Trong công văn số 1382 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn các đối tượng phải khai xuất xứ là các trang trại, vườn trồng và cơ sở bao gói. Tuy nhiên, trong biểu mẫu thống kê mà Cục Trồng trọt hướng dẫn kèm công văn số 401, thì đối tượng đa dạng hơn. Như phải thống kê tên doanh nghiệp, HTX, trang trại, vùng sản xuất tập trung, rồi cơ sở đầu mối thu mua, bao gói, đóng gói. Đó là chưa kể, mỗi nơi lại phải thống kê diện tích sản xuất, sản lượng thu hoạch, thu mua, số lượng xuất khẩu sang Trung Quốc từng năm (thống kê 3 năm liên tục, từ 2006-2008), rồi đăng ký số lượng xuất khẩu sang Trung Quốc trong từng năm tới… Với thói quen mua bán đơn giản với đối tác Trung Quốc từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long không dễ hoàn chỉnh các quy định khi thời hạn cận kề, trong khi đây lại đang là mùa chính của thanh long.
Bình Thuận hiện có gần 12.000 ha thanh long, trong đó có 11.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 220.000 tấn. Có hơn 22.000 hộ dân trực tiếp sản xuất, trong đó khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long. Sản phẩm xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ.
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng trồng cây ăn quả theo phong trào, các tỉnh đang chuyển theo hướng trồng 1-2 cây chủ lực. Các cơ quan chức năng cần giúp người dân thực kiện kỹ thuật trồng vải rải vụ, chín sớm chín muộn và các tiểu thương hiện không nên ồ ạt đưa hàng sang Trung Quốc.
(Theo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com