Thanh long xuất khẩu đã có đầy đủ thông tin xuất sứ - Ảnh: Đức Thanh |
Sau hơn 2 tháng rốt ráo triển khai đăng ký danh sách vùng trồng trọt và cơ sở đóng gói 5 loại trái cây (thanh long, vải, chuối, nhãn và dưa hấu) theo yêu cầu của Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch Trung Quốc (AQSIS), mặc dù thời gian rất gấp rút, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc cung cấp các thông tin liên quan theo đúng thời gian yêu cầu (trước ngày 1/7).
Danh sách đăng ký của 43 tỉnh, thành phố, hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp (DN) đã được gửi đến AQSIS. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xuất khẩu 5 loại trái cây nói trên vẫn án binh bất động, do phía Trung Quốc chưa hề có bất cứ động thái nào cho thấy, việc nhập khẩu trái cây theo thoả thuận sẽ được triển khai.
Ông Dương Văn Ngạn, chủ đại lý thu mua vải ở Hồng Quang (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, từ trước đến nay việc xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, có nghĩa là cơ sở làm đầu mối thu mua, vận chuyển lên cửa khẩu, từ đó việc mua bán diễn ra theo thoả thuận giữa người mua và người bán, không có hợp đồng ràng buộc. Kể từ ngày 1/7 đến nay, việc xuất khẩu vải sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, tư thương Trung Quốc không yêu cầu phải có bao bì, thông tin xuất xứ vùng trồng.
Lý giải điều này, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (NAFIQAD - thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc xuất khẩu 5 loại trái cây theo quy định mới khó có thể triển khai ngay mà cần có lộ trình, do tập quán làm ăn buôn bán của người dân không thể lập tức thay đổi.
Theo ông Hào, phương thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch cho dù gặp nhiều rủi ro, nhưng tâm lý của người dân vẫn “chuộng”, bởi hai lý do: thủ tục đơn giản và quy trình mua bán nhanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ách tắc xảy ra hàng năm do mặt hàng trái cây nói chung không được đóng trong bao bì, người bán chỉ dùng rơm, rạ để kê lót bảo quản trong quá trình vận chuyển, người mua hàng phải tổ chức đóng gói lại bằng thùng carton theo quy định nhập khẩu của Trung Quốc nên công đoạn này mất khá nhiều thời gian.
Chẳng hạn bến bãi của chợ dưa hấu phía Trung Quốc chỉ đậu được tối đa 400 xe (kể cả xe của Việt Nam sang bán hàng và xe của Trung Quốc nhận hàng), trong khi mỗi ngày có khoảng 300 xe chở hàng tập kết tại cửa khẩu chờ đến lượt qua, nhưng lượng xe nhận hàng chỉ đáp ứng được một nửa. Mặc dù còn nhiều bến bãi có thể nhận hàng, nhưng do quy định của phía Trung Quốc về việc phân bến bãi đậu xe theo tính chất của từng loại hàng hóa, đồng thời do tập quán giao dịch mua bán nên đậu xe ở bãi khác sẽ không có người mua hàng. Không những thế, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu theo cách thức trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới rất lớn, dẫn tới việc kiểm soát chất lượng khó khăn và không được chặt chẽ.
“Việc cần phải có nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác xuất khẩu cho 5 loại trái cây không chỉ quảng bá thương hiệu, uy tín của trái cây Việt Nam, mà các DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đàm phán với đối tác, trái cây có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa của Trung Quốc, tránh được tình trạng phải “khoác” thương hiệu khác”, ông Hào nói.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, riêng đối với dưa hấu, do quá trình vận chuyển từ các vùng trồng khá xa, khiến việc bảo quản khó khăn nên yêu cầu đóng bao bì là không phù hợp với thực tế. Hơn nữa, ông Võ Tấn Huân, chủ đại lý thu mua dưa hấu ở Bình Trung (Quảng Ngãi) cho hay, nhiều bạn hàng Trung Quốc yêu cầu nhà cung cấp không đóng bao bì, để họ tự thực hiện theo cách riêng.
Ông Hào cho biết, trong công thư gửi AQSIS, Bộ NN&PTNT đã đề nghị duy trì cả hai kênh xuất khẩu, thứ nhất là các cơ sở thu mua bao gói xuất khẩu có bao bì nhãn mác địa chỉ rõ ràng, thứ hai là tiếp tục thực hiện theo cách các cơ sở, DN đang làm, đó là vận chuyển hàng rời, không bao bì nhãn mác... để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu trái cây của người dân. Tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời về việc này.
Hiện nay, Trung Quốc chưa đặt ra yêu cầu chiếu xạ, do đó các vùng trồng và cơ sở bao gói không cần phải có thêm cấp giấy chứng nhận nào nữa đối với 5 loại trái cây nói trên. Theo Hiệp định Kiểm dịch thực vật (KDTV) giữa 2 nước, DN có đầy đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác bao bì và giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan KDTV cấp là có thể xuất khẩu.
Đối với việc xuất khẩu trái cây theo phương thức cũ, Bộ NN&PTNT cũng đã cung cấp cho hệ thống KDTV ở các cửa khẩu danh sách các địa phương đăng ký để sẵn sàng xuất trình khi phía đối tác có yêu cầu “đột xuất”. Vì thời hạn đăng ký vẫn chưa “chốt” nên hiện các địa phương, tổ chức, cá nhân vẫn có thể tiếp tục đăng ký danh sách vùng trồng với bộ NN&PTNT, ông Hào cho biết thêm. |