Từ trước tới nay, có thể nói Việt Nam chưa hề có một chính sách hay chiến lược dài hạn với ngành phân bón.
Chiếm tới 40% giá thành nông sản
Theo thống kê, hiện Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu về urê, 70% DAP để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Các loại phân bón khác như SA, kali... còn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Thực tế trên đã khiến cho giá phân bón trong nước phụ thuộc rất lớn vào biến động giá thế giới và thường xuyên duy trì ở mức cao. Phân bón cũng trở thành vật tư chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành sản phẩm nông nghiệp, lên tới 30% - 40%.
Thậm chí, ngay cả khi giá phân bón trên thị trường thế giới duy trì khá ổn định và trong xu hướng giảm, giá phân bón nhập khẩu trên thị trường Việt Nam vẫn có chiều hướng tăng lên.
Hiện nay, giá phân bón bán lẻ tại một số địa phương đã tăng từ 100- 500 đồng/kg. Cụ thể, giá urê tại Đồng Tháp, Kiên Giang tăng thêm 240 đồng lên mức 6.540 đồng/kg, kali cũng tăng 200- 500 đồng/kg, ở mức 12.800-13.000 đồng/kg.
Như vậy, trong bối cảnh cả nước đang bước vào canh tác vụ hè thu - vụ lúa chính trong năm, nhu cầu về các loại phân bón tăng mạnh, mức tăng giá trên cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới những người trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng.
Mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4/2009) đối với phân khoáng, phân hóa học có chứa phosphate... từ mức 5% lên 6,5%.
Ngoài ra, thuế suất nhập khẩu ưu đãi các loại phân khoáng, phân hóa học có chứa hai hoặc ba nguyên tố cấu thành là nitơ, photpho và kali; các loại phân bón dạng viên, dạng khác... cũng tăng từ mức 3% lên 6,5%.
Trong một văn bản khác, Bộ Tài chính cũng đã cho phép Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam tăng giá bán than cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, xi măng và giấy nội địa kể từ quý 2/2009 (công văn số 13564/BTC-QLG).
Điều này, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, sẽ có tác động đến giá thành phân bón sản xuất trong nước kể từ nửa cuối năm 2009.
Vẫn thiếu chiến lược phát triển dài hạn
Xem xét một cách hệ thống các văn bản điều hành, quản lý thị trường phân bón của các đơn vị liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... từ trước tới nay, có thể nói Việt Nam chưa hề có một chính sách hay chiến lược dài hạn với ngành phân bón.
Theo cơ sở dữ liệu luật của Trung tâm Thông tin phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo) về ngành phân bón kể từ năm 1999 tới nay có khoảng 60 văn bản điều chỉnh ngành phân bón. Trong đó có khoảng 29 công văn, 25 quyết định và 6 thông tư, tất cả đều là các văn bản dưới luật có hiệu lực thấp và liên tục bị thay thế.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng mới giao cho Cục Trồng trọt xúc tiến soạn thảo chiến lược sử dụng phân bón của Việt Nam đến năm 2020, và theo dự kiến phải đến năm 2011 mới có thể ban hành Luật Phân bón.
“Như vậy, trong hai năm tới, ngành phân bón nước ta sẽ tiếp tục hoạt động trong điều kiện không có chiến lược dài hạn và các chính sách điều hành vẫn mang tính bị động, đối phó với tình hình thực tế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam”, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Agroinfo nhìn nhận.