Là người đã nhiều năm làm việc ở một doanh nghiệp (DN) xăng dầu lớn tại VN, tôi nghĩ rằng mình hiểu rõ bản chất hay còn gọi là “hậu trường” của những đợt tăng/giảm giá xăng dầu, đặc biệt là tăng giá.
Đây mới là vấn đề các cơ quan quản lý Nhà nước cần hết sức quan tâm, làm rõ trong những đợt thanh - kiểm tra hoạt động kinh doanh, tài chính của các DN xăng dầu, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đã kỳ công nghiên cứu, soạn thảo, cân nhắc... để cho ra đời Nghị định 84/2009/NĐ-CP (DN được quyền quyết định giá bán lẻ khi giá xăng dầu thành phẩm của thị trường thế giới biến động).
Ít giảm vì sợ bị thiệt
Tại sao không cần thiết phải đề cập các đợt xăng dầu giảm giá? Bởi vì khi giảm, DN xăng dầu (tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của hai từ “DN” với tư cách là đơn vị có trách nhiệm sử dụng, quản lý, bảo tồn và phát triển vốn Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc của Nhà nước) là đối tượng bị thiệt hại đầu tiên; kế đến là ngân sách Nhà nước.
Giá như trong hàng ngũ các DN xăng dầu đầu mối có cả những DN thuộc các thành phần kinh tế khác (DN tư nhân, DN nước ngoài) thì quyết định giảm giá sẽ là một biện pháp cạnh tranh lành mạnh để phát triển thị trường. DN giảm giá có thể thiệt hại trong ngắn hạn nhưng sẽ đạt được lợi ích về lâu dài.
Trở lại với động thái trái chiều của giảm giá là tăng giá. Trước đây, mỗi lần DN xăng dầu muốn thay đổi giá bán buôn và bán lẻ đều phải xin ý kiến các bộ quản lý về mức tăng, phương án tăng..., cho dù khi tăng giá, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt hại hơn cả, còn Nhà nước và DN kinh doanh xăng dầu thì ngược lại.
Và, đau đầu nhất là các cơ quan quản lý trong việc giải bài toán cân đối vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Không giải được bài toán này thì một lần nữa, đời sống người dân lại bị ảnh hưởng.
Ai hưởng lợi từ các đợt tăng giá?
Như đã nêu trên, là những đơn vị chịu trách nhiệm về số vốn được Nhà nước giao, các DN xăng dầu cũng có tính toán, cân đối khá kỹ quyền lợi các bên (Nhà nước, DN, người tiêu dùng) mỗi khi tăng giá, song quyền lợi của DN thường được ưu tiên hơn cả.
Tuy nhiên, ít người biết rằng đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong những đợt tăng giá không phải là tập thể DN xăng dầu (tôi nhấn mạnh chữ “tập thể”) mà là các chủ đại lý, chủ xe bồn, tàu chở dầu, kho chứa cấp hai... Với họ, các đợt tăng giá xăng dầu là những... ngày hội đúng nghĩa!
Họ luôn mong tăng càng nhiều càng tốt, mức tăng càng cao càng tuyệt vời! Bởi vậy, cứ mỗi lần chuẩn bị đến ngày tăng giá (khoảng 10-15 ngày), tại kho chứa của không ít DN đầu mối sẽ chứng kiến cảnh tấp nập khác hẳn ngày thường, nhất là so với những thời điểm giảm giá.
Vì sao? Rất dễ hiểu, đây là hoạt động đầu cơ. Tình trạng đó chính là câu trả lời cho nghi vấn lâu nay trong ngành xăng dầu: Mức giá tăng và thời điểm tăng được DN đầu mối tiết lộ trước cho các tổng đại lý và hệ thống đại lý để gom hàng. Gom càng nhiều càng lời to, vì mua theo giá cũ, bán theo giá mới (cao hơn)...!
Đây là câu chuyện nhiều tập, đã diễn ra hàng chục năm nay. Đó cũng chính là “hậu trường” của vấn đề tăng giá xăng dầu mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc để góp phần giải thích vì sao xăng dầu ở VN tăng nhiều, giảm ít; tăng khá mạnh và giảm nhỏ giọt!
Chờ sự quyết tâm !
Xăng dầu là sản phẩm chiến lược, là mặt hàng kinh doanh đặc biệt, rất khó kiểm soát và dễ phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, đó không phải là một vùng cấm bất khả xâm phạm.
Theo tôi, không khó để cơ quan chức năng thực hiện việc thanh - kiểm tra để tìm ra các số liệu về ngày, giờ, ai mua, số đăng ký của phương tiện vận chuyển, vận chuyển về kho nào, khối lượng mua bao nhiêu, gấp bao nhiêu lần so với lượng bình quân kỳ trước, với giá trước hay sau khi tăng. Cơ chế đã có, việc “đại phẫu” ngành này chỉ còn tùy thuộc vào quyết tâm của các cơ quan quản lý.