TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận xét, xu hướng xuất khẩu đang diễn biến trái ngược so với cùng kỳ năm 2009. Khá lạc quan, ông Phong đã nói về việc năm ngoái, Việt Nam bán nhiều hơn, thu về ít hơn, trong khi năm nay, bán ít hơn và thu về nhiều hơn. Tuy vậy, trên một khía cạnh khác, ông Phong đã đề cập nỗi lo về việc lượng hàng xuất khẩu suy giảm sẽ ảnh hưởng tới việc làm của người dân, cũng như tăng trưởng kinh tế. "Có thể, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tích cực trong tìm kiếm, khai thác thị trường mới", ông Phong phán đoán.
Trên thực tế, việc một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm lượng đã được đề cập trong thời gian gần đây. Một mặt, điều này, cho thấy sự hồi phục chưa thực sự ổn định của thị trường thế giới, mặt khác cũng có thể là lời cảnh báo đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, cũng như sự "tới hạn" trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng nhắc tới câu chuyện thị trường toàn cầu hồi phục và dành cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu, nhưng rất có thể, cơ hội đó lại không đến được với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xét trên khía cạnh này, việc giảm lượng xuất khẩu một số loại nông sản trong những tháng đầu năm nay có thể là điều rất đáng lưu tâm, bởi nó liên quan trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam
Cũng liên quan tới vấn đề suy giảm xuất khẩu, số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2010, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước chỉ đạt 5,8 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng 6/2010. Tuy nhiên, sự giảm sút này trên thực tế không phải là điều đáng lo, bởi lẽ, cán cân thương mại lại một lần nữa bị tác động bởi lượng vàng tái xuất.
Trong tháng 7, giá trị xuất khẩu của mặt hàng đá quý, kim loại quý chỉ là 15 triệu USD, giảm tới 97% so với tháng trước. Tất nhiên, sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 còn được "hỗ trợ" bởi sự giảm sút trong xuất khẩu dầu thô, điện tử, máy tính, nhưng không còn tái xuất vàng là yếu tố cơ bản nhất. Điều này, xét về cán cân thanh toán, thì có ảnh hưởng nhất định, nhưng nếu xét về thực lực xuất khẩu, thì không có gì đáng lo.
Có thể khẳng định được điều ấy, vì nếu so với tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2010 vẫn tăng rất mạnh - tới 20,7%. Hỗ trợ cho sự tăng trưởng nằm rất lớn ở sự tăng giá của nhiều mặt hàng chủ lực, như hạt điều (tăng 21,4%), dầu thô (tăng 10,3%), cao su (tăng 88,2%), hạt tiêu (tăng 54,8%), sắn và sản phẩm của sắn (tăng 39,1%), than đá (tăng 74,8%)... Bán được giá hơn hẳn nhiên là điều đáng mừng.
Hơn thế, nếu tính chung 7 tháng đầu năm, sự tăng tốc trong xuất khẩu đã vượt mức kỳ vọng so với cùng kỳ năm trước. Với tổng kim ngạch 38,2 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 7 tháng đang ở mức 17,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6% mà Quốc hội đặt ra cho cả năm.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc giá tăng có tác dụng như lực đẩy rất lớn đối với xuất khẩu. Cùng với đó, là sự "cộng hưởng" của trên 1,55 tỷ USD tái xuất vàng. Đây là những yếu tố cơ bản giúp xuất khẩu đang tăng trưởng tốt. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu năm nay sẽ đạt 12-13%, tăng gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Nhưng nhìn một cách dài hạn, các chuyên gia kinh tế vẫn đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững hơn.
Cách đây gần nửa tháng, Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị về việc triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập siêu. Một khi các biện pháp này được đẩy mạnh, khả năng tăng trưởng xuất khẩu là không nhỏ. Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu là điều cần thiết, nhưng vấn đề là thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nào. "Nếu thúc đẩy xuất khẩu mà chỉ là đẩy mạnh xuất khẩu khoáng sản, nông sản thô thì không phải là biện pháp căn cơ", ông Ánh nhận định.
Khi xây dựng khung kế hoạch 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã một lần nữa nhắc tới điều này. Nghĩa là thúc đẩy xuất khẩu, nhưng phải thực sự là nâng cao giá trị giá tăng của các mặt hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, chứ không chỉ đơn thuần là tăng lượng để tăng kim ngạch. Hơn thế, bài toán thúc đẩy xuất khẩu còn cần phải được đặt trong cả một chiến lược dài hơi về hạn chế nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu. Tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng quan trọng hơn là tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam
(Theo Nguyên Đức // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com