Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều qui định khác sẽ được các nước nhập khẩu xiết chặt ở khâu nuôi trồng. Trong ảnh: Nuôi tôm sú ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: X. Trường |
Chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng trọng điểm về xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường nhập khẩu có những quy định ngày càng khắt khe hơn trong kiểm soát chất lượng sản phẩm từ “sản xuất đến bàn ăn”. Trong bối cảnh hiện nay, chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và ISO 22000 (chứng tỏ cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm của doanh nghiệp) được xem như “giấy thông hành” cho thủy sản ĐBSCL xuất khẩu thêm thuận lợi.
Đề cao trách nhiệm của người sản xuất
Châu Âu là thị trường nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng quy định khắt khe đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Ông Nicolas Privet, Giám đốc Chất lượng và Dự án thuộc Công ty Anova Food Việt Nam, cho biết: Người tiêu dùng châu Âu rất chú trọng nguồn gốc của sản phẩm thủy sản. Họ muốn biết trong quá trình nuôi thủy sản, người nuôi sử dụng loại thuốc, thức ăn cho tôm, cá có để lại dư lượng trên sản phẩm hay không?... Không những thế, thị trường châu Âu còn đòi hỏi, mong đợi những sản phẩm thủy sản nhập khẩu phải an toàn và đảm bảo cho sức khỏe: mức độ nhiễm vi sinh phải thấp, không có hoặc có rất thấp dư lượng thuốc trong sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay, không chỉ thị trường châu Âu, nhiều thị trường nhập khẩu khác trên thế giới rất quan tâm đến nhiều vấn đề khác như: điều kiện, môi trường sản xuất phải đảm bảo tính bền vững; công nhân làm việc phải được đảm bảo chế độ lương, ngày nghỉ; trẻ em dưới độ tuổi lao động có tham gia vào quá trình sản xuất chế biến hay không?
Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Chuyển giao công nghệ quản lý đồng bộ (TMT), cho biết: Giai đoạn 1999 – 2009, các nhà nhập khẩu nước ngoài đã quan tâm rất nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu sản xuất của nhà máy chế biến thực phẩm và hệ thống các nhà phân phối, nhà bán lẻ... Từ những diễn biến hiện tại, có thể suy đoán rằng, giai đoạn 2010 – 2019, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều quy định khác sẽ được các nước nhập khẩu xiết chặt ở khâu nuôi trồng, tại các hộ chăn nuôi, nông trại. Bởi lẽ, theo lý giải của ông Thịnh, sự khai thác tài nguyên không kiểm soát của nhiều quốc gia trên thế giới có thể dẫn đến sự tiệt chủng của nhiều giống loài. Vì thế, nhu cầu bảo tồn thiên nhiên hoang dã trở nên cấp bách. Mặt khác, vì lợi ích kinh tế, nhiều người chăn nuôi có thể đưa vào quá trình sản xuất những hóa chất cấm, hoặc sử dụng hóa chất không đúng quy định. Điều này dẫn đến một trong những hệ quả là môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn tới nguy cơ mất an toàn sản phẩm... Chính vì thế, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, đem đến sự công bằng trong thương mại toàn cầu (người nuôi, trồng, chế biến... phải có trách nhiệm với xã hội, với môi trường) nhiều rào cản thương mại (qui định áp dụng các tiêu chuẩn, bán phá giá, chống bán phá giá, dư lượng hóa chất, an toàn thực phẩm, tên gọi, xuất xứ...) được các nhà nhập khẩu đưa ra và kiểm soát ngày càng chặt chẽ.
“Giấy thông hành” cho thủy sản
Hiện nay, nhiều thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có ĐBSCL như châu Âu, Nhật, Mỹ... nhu cầu đang có xu hướng giảm và khách hàng kỹ tính hơn. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Bureau Veritas Certification Việt Nam, cho rằng: Để giữ và làm hài lòng khách hàng, sản phẩm, hay dịch vụ của nhà sản xuất trong nước phải thỏa mãn các yêu cầu của họ. Một trong những yêu cầu quan trọng chính là tự người nuôi, nhà chế biến, doanh nghiệp... phải thực hiện tốt và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định của các nước nhập khẩu vào quy trình sản xuất. “Hiện nay, các vấn đề về an toàn thực phẩm được xem là tính toàn cầu. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL và cả nước có tăng trưởng được hay không phục thuộc vào việc người nuôi, trang trại, nhà chế biến và cả doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quy định như thế nào” – ông Khoa khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, có quá nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan đến ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Cụ thể: SQF 1000 (thực phẩm An toàn và Chất lượng), SA 8000 (đánh giá các vấn đề trách nhiệm xã hội), ISO 9001: 2008... cho nghề nuôi trồng; SQF 2000, HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), BRC, IFS... cho các nhà máy chế biến thực phẩm hay HACCP (phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn), SA 8000, BRC (cung cấp đánh giá cơ bản về các công ty cung cấp thực phẩm cho các nhà bán lẻ), IFS (tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế) cho các nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ. Chính vì thế, việc áp dụng tiêu chuẩn nào để các sản phẩm xuất khẩu mang tính quốc tế hóa? Tại Hội thảo chuyên ngành thủy sản vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến thống nhất: áp dụng Global GAP và ISO 22000 được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Global GAP là tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Giám đốc TMT, cho biết: Giấy chứng Global GAP là một sự tái cam kết rằng, thực phẩm đạt được mức độ có thể chấp nhận được về sự an toàn và chất lượng; quá trình sản xuất được chứng minh có quan tâm đến sức khỏe, sự an toàn, phúc lợi của người lao động... Những nhà xuất khẩu sang châu Âu và nhiều thị trường khác (châu Á, châu Mỹ...) cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo Global GAP. Hiện nay, Global GAP đã có mặt trên 140 quốc gia và Tập đoàn Bureau Veritas Certification (Pháp) đã cấp trên 60.000 giấy chứng nhận này. Riêng Việt Nam có hơn 1.500 giấy chứng nhận Global GAP được cấp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, theo ông Thịnh, ở ĐBSCL, nhiều vùng nuôi thủy sản, chủ yếu là cá tra, tôm sú của một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty Mỏ Ó, Công ty cổ phần CADOVIMEX II... đang tiến hành các bước để sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Bureau Veritas Certification Việt Nam, cho biết: ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên triển khai áp dụng để chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này bao quát các yêu cầu về trao đổi thông tin, quản lý hệ thống và kiểm soát mối nguy. Lợi ích chủ yếu của ISO 22000 là tăng tính minh bạch, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm thiểu các rủi ro đáng kể trong sản phẩm, kiểm soát có hiệu lực các quá trình nội bộ và giảm thiểu các nguy cơ sai lỗi... Đặc biệt, ISO 22000, ISO 9001, SA 8000, ISO 14001 (minh chứng trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường)... được xây dựng trên cơ sở tương tự nhau. Vì thế, các hệ thống này có thể tích hợp với nhau để tăng hiệu quả, tính nhất quán và tối ưu hóa các cuộc đánh giá. Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO 22000 có thể dễ dàng kết hợp với các bước áp dụng nguyên tắc HACCP và các chương trình tiên quyết khác để đảm bảo kiểm soát các mối nguy.
(Theo Hà Triều // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com