Thủy sản của Việt Nam là một trong số các mặt hàng khá được ưa chuộng tại Nhật Bản. |
Chất lượng hàng hóa xuất khẩu đôi khi chưa đạt yêu cầu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu hiểu biết về thị trường và chưa nắm bắt được phương thức kinh doanh tại Nhật Bản.
Đó là 3 khó khăn lớn được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập khá nhiều trong hội thảo về Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.
Sức khỏe cộng đồng là ưu tiên số 1
Về yêu cầu đối với các loại hàng hóa, ông Lê Quang Lân, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: “Chất lượng hàng hóa nhập khẩu là vấn đề Nhật Bản không bao giờ đàm phán bởi đó là quy định bắt buộc đối với mọi nhà xuất khẩu khi tiếp cận thị trường này”.
Hiện Nhật Bản là một trong những quốc gia đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất khắt khe với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Nhưng các tiêu chuẩn chất lượng này được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tức là không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước hay nhập khẩu.
Cũng theo ông Lân, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản thường rất chặt chẽ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản nên thông qua các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được uy tín tại thị trường này.
Tuy vậy theo đánh giá, đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam do có tới gần 130 triệu người tiêu dùng và mới đây Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực.
Nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất
Là nước phát triển, Nhật Bản không thực thi chính sách bảo hộ bằng thuế quan đối với phần lớn các sản phẩm công nghiệp. Mức thuế trung bình trong lĩnh vực công nghiệp của nước này chỉ dưới 5%.
Theo đó, trên 95% số dòng thuế hàng công nghiệp, chiếm gần 95% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang Nhật đang được hưởng mức ưu đãi thuế nhập khẩu là 0%.
Nếu tính cả những sản phẩm sẽ giảm và loại bỏ thuế trong lộ trình 10 năm thì con số này là 97% số dòng thuế và 98% giá trị xuất khẩu của nước ta sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi bằng 0%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chính là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Cụ thể, hiệp định VJEPA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông thủy sản sang Nhật do quốc gia này đã cam kết giảm thuế đối với các mặt hàng tương đương với gần 84% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ngay khi VJEPA có hiệu lực, trong số 2020 dòng thuế nông sản, Nhật Bản đã xóa bỏ ngay đối với 784 dòng, chiếm 36% tổng số dòng thuế nông sản và 67,6% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Các dòng thuế có lộ trình giảm từ 3-5 năm bao gồm 14 sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu như: mì chính, đậu tương, gừng, các loại hoa quả là: chuối, sầu riêng, chôm chôm… Kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này chiếm khoảng 14% tổng xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường Nhật.
Đối tác cũng cam kết giảm và loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 72 dòng nông sản trong 7 năm, và 214 dòng có lộ trình giảm và loại bỏ thuế quan trong 10 năm. Trong đó, đáng chú ý là có các mặt hàng rau, quả chế biến, ngô, sắn chế biến, các loại gia vị, nước sốt là những mặt hàng mà thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với mặt hàng thủy sản, trong số 330 mặt hàng đã có 64 mặt hàng được giảm thuế ngay khi hiệp định được thực thi, chiếm tới 71% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản.
Không những vậy, theo cam kết Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam xây dựng một trung tâm kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản. Theo đó, khi đã được trung tâm này cấp giấy chứng nhận, hàng xuất vào Nhật sẽ không bị kiểm tra, tránh các rủi ro cho doanh nghiệp.
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) được ký kết vào ngày 25/12/2008 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2009.
Đây là hiệp định có nội dung toàn diện bao gồm nhiều lĩnh vực như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh… Cùng với các thoả thuận kinh tế đã ký trước đó giữa hai nước, VJEPA sẽ tạo nên một khung pháp lý toàn diện, ổn định và thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai nước.
(Theo Y Nhung // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com