Ở khu vực châu Phi cận Xahara, Xênêgan là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai sau Nigiêria và đứng thứ 10 trên thế giới. Gạo chiếm khoảng 48% tổng giá trị nhập khẩu nông sản chế biến. Các nước cung cấp chính chủ yếu châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Ngoài ra còn có một số nước khác như EU, Mỹ, châu Mỹ La tinh.
Sản xuất lương thực của Xênêgan đã tăng gấp đôi từ năm 1960 nhưng do tăng trưởng dân số cao, sản lượng lương thực trung bình người đã sụt giảm gần 50%. Sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước (200.000 tấn). Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tiêu thụ gạo của Xênêgan đã tăng gần 1000% trong vòng 4 thập kỷ và hiện ở mức khoảng 1 triệu tấn.
Gạo nhập khẩu vào Xênêgan gần như hoàn toàn là gạo tấm, chiếm khoảng 95%. Trên thị trường quốc tế, gạo tấm được xem là thứ phẩm do vậy giá rẻ hơn nhiều so với gạo nguyên hạt. Tuy nhiên, người tiêu dùng Xênêgan lại thích gạo tấm hơn, chẳng hạn năm 2003, gạo tấm bán tại TP St-Louis (gần trung tâm sản xuất lúa địa phương thuộc thung lũng sông Xênêgan) với giá 20-40 franc CFA/kg tuỳ theo thời vụ, tức là đắt hơn từ 10-20% gạo nguyên hạt sản xuất trong nước. Sự ưa chuộng này có thể do thay đổi thói quen ăn uống của người dân vốn phải thường xuyên ăn những loại sản phẩm sẵn có trong giai đoạn thuộc địa và sau thuộc địa.
Trước thời kỳ thực dân, Xênêgan có trồng một số giống lúa nhưng khi đó gạo là một sản phẩm xa xỉ chứ không phải một thức ăn thiết yếu. Chính trong thời kỳ thuộc địa mà gạo đã trở thành một yếu tố không thể tách rời trong chế độ ăn của người Xênêgan. Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tiêu thụ gạo của Xênêgan đã tăng gần 1000% trong 4 thập kỷ và hiện ở mức khoảng 1 triệu tấn. Trong khi mức tiêu thụ bình quân trên thế giới khoảng 40 kg gạo/người/năm thì tại Xênêgan là trên 70 kg/người /năm và kể từ những năm 70, sản phẩm này đã thay thế hạt kê làm thức ăn cơ bản. Trong những hộ gia đình sống ở thành thị, gạo chiếm 54% tiêu dùng ngũ cốc và 18% tổng chi của các hộ gia đình. Ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này lần lượt là 24 và 25%. Điều đó chứng tỏ các hộ gia đình nông thôn nghèo hơn và có ít tiền để chi cho các sản phẩm ngoài lương thực.
Sự tăng tiêu thụ gạo một cách đầy ấn tượng nói trên là do nhiều yếu tố thể hiện những xu thế và việc thực thi những chính sách điều chỉnh không chỉ ở Xênêgan mà còn tại những nước khác thuộc khu vực cận Xahara.
Trong thời kỳ thuộc địa, gạo được nhập khẩu với khối lượng lớn để điều tiết giá lương thực và song song với đó, tạo điều kiện sản xuất lạc, một sản phẩm có giá trị thương mại cao. Trước khi bị thực dân hoá, Xênêgan đã xuất khẩu dầu lạc sang châu Âu. Sau thời kỳ này, đỗ lạc đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của Xênêgan. Một yếu tố khác cũng khuyến khích việc nhập khẩu gạo là sản xuất và xuất khẩu gạo của Đông Dương cũng đặt dưới sự kiểm soát của Pháp. Phần lớn gạo của Đông Dương được xuất sang các nước thuộc địa ở Tây Phi.
Trong 20 năm sau ngày độc lập, chính sách nhập khẩu này vẫn không thay đổi và Xênêgan vẫn tiếp tục xuất khẩu lạc và nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá nhanh dường như đã tạo ra những cơ hội tốt hơn cho việc phát triển kinh tế vì Xênêgan không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể. Để đạt được mục tiêu trên, nước này cần phải có một nguồn nhân công rẻ nhưng lực lượng này cũng đòi hỏi nguồn thực phẩm phải rẻ vì chính họ quyết định sức mua với mức thu nhập thấp. Việc nhập khẩu là phương tiện đơn giản nhất để có được thực phẩm giá rẻ vì xây dựng một hệ thống sản xuất địa phương có thể đáp ứng được nhu cầu trên là rất phức tạp. Hơn nữa, tại châu Phi cận Xahara thời kỳ hậu thuộc địa, tiếng nói của dân đô thị đã và luôn có trọng lượng đối với giới chính trị cho nên các chiến lược nhằm đẩy mạnh sản xuất lương thực địa phương bằng cách tăng giá đã vấp phải sự chống đối quyết liệt.
Ngoài những lý do riêng của Xênêgan, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng giúp tăng NK thực phẩm này là việc chuẩn bị các món ăn làm từ gạo rõ ràng mất ít thời gian hơn, tiêu tốn ít củi hơn và đơn giản hơn những món ăn truyền thống làm từ hạt kê. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ đô thị hoá cao tại các quốc gia Tây Phi thường đi cùng với việc tăng tiêu thụ gạo. Đẩy mạnh nhập khẩu, chính sách công nghiệp hoá, mức đô thị hoá cao của Xênêgan (khoảng 50%) và hình ảnh tích cực của gạo đã biến sản phẩm này thành thức ăn cơ bản. Việc nhập khẩu đã, đang và sẽ tiếp tục đáp ứng phần lớn nhu cầu về gạo của Xênêgan. Hiện nay, nhập khẩu gạo lên tới khoảng 100 tỷ franc CFA và chiếm từ 7-8% tổng giá trị nhập khẩu nói chung
Tuy nhiên, những kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được cải thiện trong niên vụ 2008/2009 nhờ lượng mưa đủ và việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp (GOANA). Sáng kiến này được Tổng thống Abdoulaye Wade đưa ra ngày 18/04/2008 nhằm chấm dứt sự phụ thuộc lương thực của Xê-nê-gan. Chương trình dự kiến, 6 tháng kể từ tháng 10/2008, nước này sẽ sản xuất được 2 triệu tấn ngô, 3 triệu tấn sắn, 500.000 tấn gạo và 2 triệu tấn các loại ngũ cốc khác (kê, lúa miến, fonio).
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Maroc
(Internet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com