Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng của đất Bình Dương quê tôi được làm từ loại gạo đỏ đặc sản.
Còn nhớ cứ vào những dịp trọng đại của gia đình như giỗ chạp, Tết cổ truyền, ngoại tôi lại thức trắng đêm để giã gạo bằng chiếc cối đá xanh, nay vẫn được ngoại gìn giữ như vật gia bảo.
Muốn đổ bánh bèo thật ngon phải quấy cho nhuyễn tới khi các hạt gạo tan thành bột đặc quánh trong nồi, vì vậy công việc giã gạo cho tới quấy bột, mình tay ngoại làm.
Quấy được nồi bột với nước cốt dừa ưng ý xong, ngoại mới sai má tôi đổ vào khuôn bánh bèo rồi đem hấp chín. Công đoạn tiếp theo mà lũ trẻ con chúng tôi được "nhúng" tay là đãi đỗ xanh ninh thật nhừ, làm nhân phết trên mặt bánh. Sau khi hoàn tất, ngoại chọn đĩa bánh ngon nhất với đủ gia vị kính cẩn đưa lên bàn thờ thắp nhang khấn vái tổ tiên, ông bà, cho cả người vợ thương yêu của mình đã khuất núi. Ngoại bảo chính hương vị bánh bèo ngọt ngào của bà ngoại làm đã chinh phục được tâm hồn của gã con trai ngang tàng như ngoại.
Ngày nay, bánh bèo gắn liền với địa danh chợ Búng bởi nơi đây đã làm nên thương hiệu cho bánh bèo bì đất Bình Dương. Từ bánh bèo, dưới bàn tay pha chế và óc sáng tạo, các nghệ nhân nấu ăn đã sáng tạo thêm hai món mới từ bì, góp phần làm cho bữa tiệc bánh bèo thêm phong phú: bì cuốn và bún bì.
Chợ Búng nằm trên đất xã An Thạnh, nằm giữa Quận Lái Thiêu và tỉnh lỵ Thủ Dầu có hai tiệm lâu năm nổi tiếng là quán Mỹ Liên và quán Ngọc Hương. Quán Mỹ Liên nằm sát quốc lộ 13, gần ngã ba Cầu Cống. Còn Ngọc Hương nằm trước chợ Búng, ngay bến xe. Khách sành điệu thường hay đến ăn tại quán Mỹ Liên hơn vì quán này tồn tại đã ba đời.
Bà chủ quán Mỹ Liên không ngần ngại khi tiết lộ bí quyết: "Bánh bèo ngon phụ thuộc bởi bì và nước chấm. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, bì lợn ram sắt mỏng từng sợi trộn thính gạo, thêm gia vị là tỏi và bột canh. Thịt heo phải lựa thịt đùi ngon bọc da chung quanh, ram gần vàng. Nước dừa cho vào nồi để lửa riu riu cho nước dừa ngấm vào thịt mới thơm. Kế tiếp là nước mắm, gia vị tưới lên bánh bèo, bún bì hoặc là nước chấm cho món bì cuốn. Nước mắm ngon khi chan vào bánh bèo bì ăn thấy thơm, mỗi hàng có một bí quyết pha chế riêng. Cuối cùng là bánh bèo phải ngon và trắng, có xoáy, đưa vào mồm cảm giác vừa cứng vừa dai. Ðiều này phụ thuộc vào bí quyết pha bột gạo, bột năng và nước. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua hoặc kiệu muối, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn rồi chan nước mắm vô".
Bánh bèo bì chợ Búng ngày càng trở nên nổi tiếng, khách du lịch qua Bình Dương mua sầu riêng, dâu, chôm chôm, măng cụt v.v... tại vườn dọc theo quốc lộ 13 từ Lái Thiêu đến Bình Nhâm, Búng, Phú Văn,.. không thể không ghé chợ Búng lót lòng món bánh bèo bì . Riêng ngày nghỉ, ngày lễ, Tết khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi hơn 30 cây số chỉ để ăn đĩa bánh bèo bì cho đỡ "nghiền" rồi lại quay về. Xe hơi, xe máy đậu nối đuôi nhau trước quán ăn, dọc theo quốc lộ 13 đôi khi làm cản trở lưu thông làm cảnh sát giao thông phải can thiệp.
Thông thường, trước khi ăn hai món bánh bèo hoặc bún bì, khách nhậu khai vị món bì cuốn kèm theo nem chua rán, đồ thấu (củ kiệu, củ hành, củ tỏi chua...) lai rai với bia hoặc rượu mạnh và không quên xin thêm một đĩa tỏi nguyên để cắn khi ăn bì cuốn.
Ðông khách là vậy, nhờ áp dụng kỹ thuật, ngày nay bánh bèo và bì có sự trợ giúp của máy móc. Nhìn hàng nghìn chiếc bánh trắng phau phau nằm trên đĩa và hàng rổ bì thái đều tăm tắp, sợi nào cũng giống sợi nào, khiến ai từng nhìn thấy một lần không thể không một lần thưởng thức.