Nếu như ở miền bắc, bánh chưng là thức ăn không thể thiếu trong ngày Tết, lễ, tiệc... thì ở miền trung và miền nam lại có bánh tét.
Ở xứ Quảng, trong ba ngày Tết, cho dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy, thiếu gì thì thiếu, nhưng không nhà nào thiếu bánh tét.
Những ngày áp Tết, cả gia đình quây quần bên nhau sau bao ngày xa cách, vừa chuyện trò, vừa gói bánh và ngồi canh lửa nấu bánh cho đến giao thừa.
Xứ Quảng có hai loại bánh tét: bánh có nhân và bánh không có nhân (bánh tét tro). Ðòn bánh có hình trụ tròn (đường kính khoảng 6 cm, dài khoảng 25 cm), gói bằng lá chuối, bên ngoài buộc nhiều nút dây (dây giang chẻ mỏng hoặc cây cỏ tranh) cách đều nhau trông rất bắt mắt.
Khi nói đến bánh tét, nhiều người nghĩ đến bánh có nhân được làm phổ biến ở các địa phương. Bánh này gói bằng gạo nếp, nếp loại gì cũng được, có thể trộn dầu, tiêu, tỏi hoặc trộn đậu đỏ trực tiếp vào gạo nếp rồi mới gói. Khi gói, bỏ nhân vào giữa, tùy từng nơi mà nhân bánh có thể là khoai môn, thịt heo, đậu...
Khi thưởng thức, bánh được cắt thành từng lát, kẹp với bánh tráng nướng, ăn cùng với dưa, hành, cà rốt, củ kiệu (dưa món).
Vị giòn thơm của bánh tráng, vị mằn mặn, chua chua của dưa món quyện cùng mùi thơm, dẻo của nếp, vị béo của nhân bánh tét cho ta cảm giác thật ngon miệng. Cũng có thể cho bánh vào dầu rán lên, để nguội cho giòn ăn cũng rất thú vị.
Ðối với bánh tét tro, cách làm rất công phu nên ít người làm được. Cho đến nay, chỉ có xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, là nơi duy nhất làm bánh tét tro nổi tiếng ngon và độc đáo trong các dịp lễ, tết, nhất là Tết Nguyên đán.
Ðể làm được bánh này phải chuẩn bị các nguyên liệu sau: Vào mùa nắng, đi hái lá kén (loại cây lấy củi mọc trên đồi, núi ở địa phương) và cây mè (vừng) về rửa sạch, phơi khô, trộn vào nhau, rồi đốt lấy tro để dành, dùng là nguyên liệu làm bánh.
Gạo nếp gói bánh phải là loại nếp đắng, trồng ở địa phương, không để lẫn một loại nếp nào khác.
Làm bánh trải qua các công đoạn: Gói tro trong một miếng vải dày, ngâm vào nước lạnh, để lấy phần nước tro, còn bã thì bỏ đi. Ðổ nước tro vào gạo nếp, ngâm khoảng một ngày một đêm, để cho nước tro ngấm vào gạo nếp. Sau đó vớt gạo ra, để ráo nước, dùng lá chuối đã chuẩn bị từ trước để gói.
Khâu gói bánh cũng góp phần quan trọng để tạo nên chất lượng và "thương hiệu" của bánh. Ðem hơ lá qua lửa hoặc phơi cho héo, vuốt thẳng, gói phải hết sức cẩn thận, nếu trong thời gian nấu mà để nước lọt vào thì bánh sẽ bị hư. Gói xong, cho bánh vào nồi, đổ nước ngập bánh, rồi nấu.
Ðể bánh nhuyễn, mầu đẹp có hương vị đặc trưng, không bị sượng phải đun nhỏ và đều lửa, thay nước ít nhất hai lần trong thời gian nấu (một ngày một đêm).
Những ngày vui Tết đón xuân, trong các bữa cỗ thịt, cá nhiều, không có cảm giác ngon miệng, nhưng khi có đĩa bánh tét thì còn gì bằng - đó là hương vị và nét đặc trưng ngày Tết của miền trung nói chung, xứ Quảng nói riêng.