Làng tôi tự ngàn đời sống dựa vào dòng sông với nghề cào hến. Không hiểu vì sao hến quê tôi lại ngọt lành và đậm đà đến thế, phải chăng dòng sông chứa bao vị ngọt phù sa mà ban phát cho làng tôi thứ quà dân dã mà đặc trưng đến thế!
Nghề cào hến bắt đầu từ bao giờ, tôi không còn nhớ nữa. Ngay cả ông tôi khi nhắc đến nghề đó cũng chỉ biết bắt đầu bằng câu chuyện... ngày xưa, nhưng trong nếp nghĩ của ông nó thân thuộc, nên thơ như nhớ về một thời đã xa bình yên lắm.
Tôi còn nhớ như in trong một đêm tháng chạp rét mướt ngày ấy, tôi theo bà tôi ra bờ sông. Dòng sông rực sáng ánh đèn. Cả làng chúng tôi đỏ lửa đãi hến. Mặt sông như xao động.
Những cô gái nước da đen giòn vừa làm vừa hát những câu ví phường vải làm rộn ràng cả một khúc sông rộng lớn. Những con hến đen tròn bóng lên trong ánh lửa bập bùng. Phía trong thôn, mọi nhà đã sẵn sàng đỏ lửa.
Những sọt hến được rửa sạch bằng nước sông cho hết cát được đổ vào những chiếc nồi lớn để luộc vào sáng sớm. Hến không kén chọn loại củi. Bất cứ loại củi khô trong vườn nhà đều dùng được. Bà tôi đun rơm. Từng ôm rơm vàng óng cháy rần rật, những tàn rơm đỏ gập cong thành những vòng tàn riu riu lửa. Lửa nhuốm đỏ khuôn mặt bà lấm tấm mồ hôi. Bà tôi chờ hến sôi, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Bà ước lượng thời gian bằng miếng trầu.
Khi miếng trầu nhạt là lúc hến sôi bùng lên, từng con hến bắt đầu nở bung như những cánh hoa thủy sinh chìm trong nước. Bà lấy đôi đũa tre khuấy đều rồi đổ hến ra chiếc rổ tre to nách ra bờ sông đãi. Làm hến chỉ có thế. Dễ như chơi ! Nhưng không phải đâu cũng được dòng sông ưu ái. Dòng sông dành cho làng tôi một món quà bình dị đến thân thuộc.
Hến đãi xong đem đựng trong chiếc rá tre, nước luộc hến đựng riêng trong chiếc nồi đồng chuẩn bị cho buổi chợ ngày sớm.
Hến không chỉ là một món ăn dân dã trong bữa cơm hằng ngày mà nó có mặt trong bất cứ lễ hội gì ở quê tôi. Ðám cưới, giỗ chạp đều có món hến. Bà tôi thường làm hến xào. Hến đun sôi lấy nước làm canh còn ruột đãi sạch để ráo. Khi mỡ đã sôi và dậy hành đem đổ hến vào đảo đều cùng nhút mít. Mít phải là mít non đem gọt vỏ bằm nhỏ muối chua thêm một ít giá, ít rau răm và vài chiếc bánh đa là hoàn tất.
Món hến đơn giản, dễ làm và không kén người. Hến vốn lạnh nhưng đã khéo chiều người bằng cách khi nấu người ta đem bỏ vào đấy một ít gừng tươi giã nhỏ cùng một ít rau răm, lá lốt để trung hòa nó. Hến có vị ngọt bùi đậm đà của ruột hến, có vị chua giòn của mít non, có mùi thơm của rau thơm và vị cay nồng của gừng trộn lẫn vào nhau mà thành món ăn chiều lòng khách.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã thử ăn hến của các vùng khác nhau nhưng không hiểu sao hến làng tôi vẫn níu chân những bè bạn lãng du khi tôi đưa họ về làng thưởng thức vị hến trên bờ đê ăm ắp gió từ dòng sông cuộn thổi. Nước hến đùng đục trắng như sữa non và thơm mùi gừng nóng hấp dẫn, là thứ nước linh thiêng vì nó mang trong mình vị ngọt của phù sa, vị thơm của đất mà chưng cất thành món ăn bình dân nhưng thanh cao đến không ngờ đó.
Tôi nhớ lại bà tôi ngày xưa. Khi nắng vàng như mật sau những buổi chiều về là bà lại gánh hến đi bán khắp làng. Chiếc nồi đồng lớn trĩu nặng trên vai đầy nước. Bà dừng bất cứ chỗ nào khi khách gọi. Khi trên bờ ruộng, khi dưới gốc đa, khách hàng ngồi vây quanh thùng nước. Họ lấy chiếc gáo dừa uống từng gáo nước hến cho đỡ khát rồi mua đùm ruột hến gói trong miếng lá chuối nướng mềm mà bà mang sẵn đi về phía những thửa ruộng đang làm dở. Ðùm ruột hến được đặt trong nón. Ðó là bữa tối của những người làm muộn không xuống chợ kịp của người dân quê tôi như một thói quen vậy...
Trời bấy giờ đã sang thu. Dòng sông dềnh dàng nước. Tôi đứng trên bờ đê tạ từ dòng sông. Lòng dùng dằng chợt nhớ câu thơ khi ngửi thấy trong gió thoảng qua mùi hến ngọt ngào của bà tôi từng đãi:
Sông La một ngày anh đến
Nước trong không muốn quay về!