Cá ba sa là loại cá da trơn đặc hữu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cá ba sa được nhiều người ưa chuộng vì thịt cá béo, ngọt, thơm ngon… Nói đến con cá ba sa, mọi người thường nghĩ đến những miếng thịt phi lê trắng muốt thơm ngon, bày bán ở các chợ và siêu thị, nhưng ít ai nghĩ đến có những thứ phẩm từ con cá ba sa cũng có giá trị không kém như đầu cá và bao tử cá nữa.
Đầu cá ba sa kho tương. Ảnh: Phan Hữu Tưởng |
Các bà nội trợ miệt vườn sông nước miền Tây đã chế biến thành những món rất khoái khẩu như bao tử cá ba sa xào hành lá, bao tử cá ba sa khìa nước dừa (chiên giòn, kho tiêu)… Riêng phần đầu cá ba sa còn được chế biến nhiều món hấp dẫn khác như đầu cá ba sa nấu canh chua, đầu cá ba sa kho mẳn (kho ngót), kho tương… Cái đầu cá ba sa đem kho tương hột, đơn giản vậy thôi nhưng lại là món "ai ăn cũng khoái".
Đầu cá mua ở chợ về làm sạch nhớt với nước cốt chanh. Móc bỏ ruột, chỉ chừa lại mang cá và mõm cá vì đó là phần ngon nhất. Để nguyên đầu cá ba sa khi chế biến (có thể chẻ đôi để nấu mau chín). Trước hết, đầu hành lá bằm nhuyễn cho vào chảo phi mỡ (dầu) cho thơm, đổ tương hột vào xào chín cùng một ít nước lạnh. Chờ tương hột sôi, nêm nếm cho vừa khẩu vị, múc ra tô. Kế đến, chuẩn bị các phụ liệu như gừng tươi (cạo vỏ, xắt sợi), cần tàu (xắt khúc), củ hành tím (lột vỏ, rửa sạch, đập giập) để sẵn.
Cho đầu cá ba sa vào chảo mỡ (dầu) chiên sơ cho thịt cá săn lại. Đổ tương hột (đã xào) vào cùng đầu cá với ngọn lửa liu riu đến khi nước tương hột rút vào, thịt cá vừa chín tới. Cuối cùng, cho củ hành tím, cần tàu, gừng vào. Chờ sôi vài dạo, khi thấy các phụ liệu trên vừa chín, nhắc xuống, múc ra dĩa và rắc lên dĩa một ít tiêu xay, vài trái ớt hiểm chín cho có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn. Nhớ chuẩn bị thêm một dĩa rau sống (dưa leo, chuối chát, khế chua, xà lách, rau thơm…) ăn kèm.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Thật thú vị trong những chuyến du lịch về miền Tây được thưởng thức món đầu cá ba sa kho tương hột. Giẽ một phần thịt lẫn da nơi gò má đầu cá cùng một ít rau thơm cho vào miệng nhai chầm chậm. Vị ngọt, béo, và dai dai của thịt cá hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của rau, vị ngọt của tương… lan tỏa vào vị giác, len xuống thực quản. Và, một miếng cơm nóng có chan một ít nước cá vào nữa, thật đậm đà khó quên một món ăn của miệt đồng bằng sông nước Cửu Long.
(Theo Thời báo kinh tế SG)