Sủi cảo Sơn Đông chỉ mới có mặt ở thành phố vài năm trở lại đây. Quán sủi cảo Đại Nương trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 là quán sủi cảo theo đúng gốc của vùng Sơn Đông
Ở Sài Gòn người ta biết nhiều về sủi cảo Quảng Đông với những quán khá nổi tiếng ở đường Võ Văn Tần, quận 3 hay phố sủi cảo Hà Tôn Quyền, quận 11. Sủi cảo được làm bằng lá bột hoành thánh mỏng tang, khi lấy ra gói nhân không khéo sẽ rách ngay. Nhân thì làm bằng tôm và thịt băm nhuyễn, có nơi còn làm sủi cảo ngoài thịt băm còn thêm nguyên con tôm bên trong. Người gói phải làm chậm rãi, cầu kỳ, là món ăn điểm tâm, ăn nhẹ, ăn chơi nên hình thức khá bắt mắt giống như bánh xếp, có tiệm còn chăm chút tạo viền cho từng cái sủi cảo thật đẹp. Nhờ lớp bột bao mỏng nên sủi cảo Quảng Đông ăn không bị ngậy như sủi cảo Sơn Đông.
Còn sủi cảo Sơn Đông chỉ mới có mặt ở thành phố mấy năm trở lại đây. Quán sủi cảo Đại Nương trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 là quán sủi cảo theo đúng gốc của vùng Sơn Đông. Quán chỉ có hai dòng món ăn chính là sủi cảo và mì.
Sủi cảo Sơn Đông đủ loại nhân như sủi cảo hẹ, sủi cảo bắp cải, sủi cảo củ cải trắng; mì thịt heo, mì thịt bò, mì nước, mì xào… Ngoài ra còn một số món chính tông Sơn Đông như dưa chua, phổ tai phá lấu, đậu hũ phá lấu, canh cà chua trứng, canh chua cay, bánh hành… Các gia vị ăn kèm cũng của Sơn Đông từ chai nước tương, giấm, satế,... cách bài trí quán mang dáng dấp một quán ăn bình dân của Trung Quốc. Giá cả khá mềm, canh 10.000đ/chén, sủi cảo 30.000đ/10 cái. Tuy nhiên sủi cảo Sơn Đông như đã nói trên vì nhiều bột và nhân phần nhiều làm bằng rau cải nên ăn dễ bị ngán. Một dĩa sủi cảo 10 cái phải hai người ăn mới hết, còn một người có ráng đến cái thứ sáu, bảy là hết sức.
Chủ quán sủi cảo Đại Nương là ông Lưu Quân năm nay 52 tuổi. Nhưng bạn bè đồng hương và mọi người đều gọi là Sơn Đông lão Lưu. Ông Lưu đã sinh sống tại TP.HCM được 10 năm và có vợ Việt. Ông cho biết, sủi cảo là món ăn truyền thống của người phương bắc Trung Quốc nói chung và đặc biệt là vùng Sơn Đông nói riêng.
Trước khi mở quán, ông cũng khảo sát thấy người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan rất thích ăn sủi cảo. Lúc mới mở quán, khách đa số là đồng hương và người Đài Loan. Dần dần người Việt rủ nhau đến ăn khá đông.
Tên quán sủi cảo Đại Nương cũng bắt nguồn từ truyền thống của người Sơn Đông. Mỗi người khi về đến nhà đều được mẹ làm cho một bát mì hay sủi cảo ăn no, ấm lòng. Đại Nương là cách gọi kính trọng dành cho những bà mẹ ở Sơn Đông. Do đó chủ quán đặt tên quán là sủi cảo Đại Nương để tỏ lòng kính trọng, đồng thời muốn giới thiệu cho thực khách một món ăn truyền thống của quê nhà.
(Theo bài và ảnh Quang Tâm – Minh Cúc/SGTT)