Năn có hai loại: năn kim và năn bộp. Năn kim (còn gọi cỏ năn), cọng nhỏ, đầu nhọn như chông, màu xanh đậm, mọc ở vùng nước cạn nhiễm phèn vàng, có củ, là loại sếu đầu đỏ (hạc) rất ưa thích. Thân năn kim cho trâu bò ăn hoặc ủ vồng dưa hấu rất tốt. Năn bộp (còn gọi là năn), cọng suôn, tròn to cỡ chiếc đũa bếp, màu nâu non, mọc vùng ruộng sâu nhiễm phèn bạc. Mỗi năm, cứ hễ mưa về là năn bộp mọc chen trong ruộng lúa, người ta phải nhổ loại cho lúa tươi xanh. Mùa năn chấm dứt theo những cơn mưa cuối cùng trong năm.
Bán năn bộp ở chợ Xóm Mới, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu). |
Năn bộp được dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau làm thành nhiều món ăn “nhớ đời”. Dù làm thành món gì người ta cũng phải bóc bỏ vỏ, cắt bỏ đoạn năn bộp già, giữ lại phần gốc non trắng ngà, nhẹ bỗng như xốp, dài chừng 3 tấc. Đơn giản nhất là dùng năn bộp chấm cá kho, thịt kho, xôm tụ hơn thì chấm mắm kho. Chiều mưa dầm dề, thưởng thức mắm kho mằn mặn tê lưỡi với vị ngọt giòn của năn bộp thì còn “trời đất” gì mà nói! Tép bạc nhảy xoi xói, bóc bỏ vỏ, rửa sạch, cho vô chảo mỡ lửa lớn xào rồi cho năn bộp vô xào vừa chín tới thì xúc ra dĩa. Món năn bộp xào tép bạc này chấm nước mắm trong giằm trái ớt hiểm. Cũng dễ làm và dùng chung với cơm trắng như vậy, là món năn bộp xào thịt nghêu hoặc hến. Người ta phi tỏi với mỡ heo rồi cho thịt nghêu hoặc hến vào, xào chín rồi cho năn bộp vô xào tiếp chừng 3 phút thì nhấc xuống sẽ có món ngon “quyến luyến” chân răng với cảm giác giòn, mềm, mát, cay, mặn. Dân đồng bằng sông Cửu Long khi xưa nhà nào cũng có cái bàn nạo dừa. Nước cốt dừa giữ vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực của xứ này. Cho nên năn bộp làm sao “tránh khỏi” cái chuyện xào với nước cốt dừa. Món ăn ngọt béo, lạ lẫm đến mê muội thần hồn. Dưa chua cũng là “món ruột” của đồng bào miền Tây Nam bộ. Năn bộp làm dưa cũng là món rất được nhiều người ưa thích. Dưa năn bộp muốn ăn liền thì trộn với nước giấm đường cùng một ít muối chừng nửa tiếng đồng hồ thì dọn lên mâm. Nhưng muốn ngon hơn, dùng nước vo gạo pha muối đường, cho năn bộp vô, ém chặt bằng chiếc dĩa bàn, đậy kín, hôm sau dưa đã chua, ăn kèm với món nào cũng kích thích tiêu hóa. Muốn ăn dài ngày thì cho keo dưa năn vào tủ lạnh. Chưa hết, năn bộp còn được dùng nấu canh cá hoặc thịt đều đem lại vị ngọt trong bữa cơm.
Năn bộp còn có dược tính. Chất xơ của năn bộp ngoài giúp điều hòa bài tiết, còn có công dụng ức chế hoạt động của các vi sinh vật kỵ khí, thúc đẩy vi sinh vật hiếu khí (có lợi cho tiêu hóa) sinh trưởng, làm cho lượng hình thành choleic trong đại tràng giảm xuống. Đông y sĩ Trần Phước Thuận (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết năn bộp tính bình, hỗ trợ tỳ vị, nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ con. Theo dân gian, năn bộp còn chữa được chứng ban đỏ ở trẻ nhỏ. Đặc biệt người vừa hết bệnh ăn năn bộp sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ngẫm ra, năn bộp là món quê nhưng chẳng quê chút nào. Tiếc rằng đó chỉ là những món ăn được dùng trong bữa cơm gia đình tại mảnh đất Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, chứ chưa phổ biến rộng khắp, nhất là chưa “đặt chân” vào nhà hàng sang trọng, trở thành đặc sản như bồn bồn đã từng làm một cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục trước đây.
(Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU // Haugiang Online)