Nói rằng về Tây Ninh ăn… gà Mông, nghe có vẻ nghịch lý nhưng bạn có thể thưởng thức món khoái khẩu này ngay giữa không gian hữu tình có rừng, có núi, có hồ như giữa xứ sở của người Mông…
Gà Mông nấu cháo. |
Gà Mông được xem là đặc sản bản địa của người dân tộc thiểu số Mông ở vùng cao. Loại gà này có lông đen hoặc nâu đen. Da, thịt, nội tạng và xương đều có màu đen nhưng khác với gà ác. Trước đây, gà được nuôi nhiều ở vùng có người Mông sinh sống. Giống gà này ngày một hiếm nên các nhà khoa học đã gầy dựng lại và bảo tồn, phát triển giống gà này. Đến nay, gà Mông từ miền ngược đã đến được miền xuôi, về đồng bằng... và trở thành món đặc sản mới trong thực đơn nhiều nhà hàng, quán ăn khắp nơi.
Gà Mông được thực khách yêu thích vì thịt dai, ngon và bổ. Tập quán sống của gà là bay nhảy. Gà con mới một ngày tuổi đã học bay. Gà mẹ lúc trở dạ bay tìm nơi sinh nở. Hàng ngày, gà Mông luôn sử dụng đôi cánh của mình để bay cao, bay xa. Gà được nuôi trong môi trường hoang dã nên chất lượng thịt tốt, ít mỡ. Theo các nhà khoa học, gà Mông cung cấp lượng axit glutamic cao tới 3,87%, cao hơn gà ri, gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm. Thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, thịt gà Mông có hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, đặc biệt là tốt cho quý ông. Lượng Cholesterol trong thịt gà Mông thấp nhưng Axit Linoleic cao nên có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng dể chữa bệnh ho cho trẻ em. Xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân.
Tại Tây Ninh có nhiều nơi bán gà Mông trộn gỏi ăn với cháo, nướng, chiên và, các món tiềm thuốc Bắc, nấu rượu... Nhưng ở khu du lịch Long Điền Sơn, du khách có thể thưởng thức món này trong không gian núi rừng hoang dã...
(theo Thụy Du/Cần Thơ)