Người dân miền Tây hầu như ai cũng biết cây và lá cách. Cây cách thường mọc hoang nơi bờ bụi, mương vườn, ven sông rạch và rất dễ trồng. Lá cách được các bà nội trợ ở đồng bằng sông Cửu Long xem như là một loại rau sạch, thường dùng chế biến các món như ếch, lươn, bò (xào lá cách), nấm mối nướng lá cách, bánh xèo cuốn lá cách… Ngoài ra, theo Đông y, lá cách có tác dụng mát gan, lợi tiểu…
Tô canh gà lá cách, thịt gà chấm nước mắm sả ớt. Ảnh: Hữu Tưởng. |
Riêng món gà nấu canh lá cách thì hôm tết vừa rồi tôi mới được thưởng thức lần đầu tiên khi đến chơi nhà một người bạn ở Bến Tre. Món ăn thật tuyệt vời. Và đến nay, dư vị món ăn hình như còn lãng vãng nơi đầu lưỡi, thật khó quên.
Tôi thong thả dùng đũa gắp miếng thịt gà cùng lá cách chấm vào dĩa nước mắm sả ớt đưa vào miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, béo của thịt gà, vị nhân nhẩn, chua chua và mùi thơm đặc trưng của lá cách cùng tinh dầu sả, ớt thấm dần vào vị giác… Và miếng cơm nóng có chan vài muỗng nước canh vào “lùa” một hơi... Chiều đến, trước khi từ giã bạn ra về, tôi lấy sổ tay ra ghi lại những chỉ dẫn của má bạn về cách chế biến món ăn nầy.
Theo bà cho biết, chế biến món nầy rất dễ. Nguyên liệu chính cần có là thịt gà, lá cách, sả, ớt. Trước hết, gà phải chọn gà ta (trọng lượng khoảng 1,2 - 1,5 kg/con) đem về làm sạch, để ráo. Dùng dao bén chặt vừa miếng ăn. Kế đến, ướp gia vị (muối + đường + bột ngọt + sả bằm) cho vừa khẩu vị khoảng 15 phút cho ngấm. Bắc chảo lên bếp, phi mỡ tỏi thơm rồi cho thịt gà vào xào săn lại. Tiếp đến, cho thịt gà (đã xào) vào nồi cùng với nước lã nấu sôi cho tới khi thịt gà chín hẳn. Nêm nếm gia vị (nước mắm + bột ngọt) cho vừa khẩu vị. Sau đó, lá cách lựa lá vừa ăn (không già cũng không non) rửa sạch xắt thật nhuyễn để sẵn vào tô.
Cuối cùng, chỉ cần múc thịt gà lẫn nước canh (còn nóng) trong nồi đổ vào tô lá cách dọn lên bàn là xong. Nhưng, theo lời bà, nếu để thế mà dùng là một sự thiếu sót lớn. Muốn đạt được tuyệt đỉnh của “nghệ thuật ẩm thực”, ta phải làm thêm một chén giấm, sả ớt băm nhuyễn nữa.Trước khi ăn, múc khoảng 2 muỗng canh nước giấm, sả ớt (chua ít nhiều tùy theo khẩu vị) rưới đều lên tô canh. Và nên nhớ, phải chấm với nước mắm ngon nguyên chất (nước mắm rươi, hoặc nước mắm hòn), có chút sả ớt vào nước mắm nữa thì mới “đúng gu”.
(Theo Thời báo kinh tế SG)