Cá mòi bán ở chợ Thu Bồn |
Ở làng Thu Bồn, nằm ven sông Thu Bồn, có nhiều quán bán các món ăn từ cá mòi sông như nhà ông Phu, nhà bà Năm, nhà chị Bảy với các món mì Quảng nhân cá mòi um, gỏi cá mòi, ram cá mòi, chả cá mòi chiên… nhưng, để thưởng thức được hết vị tươi của cá phải kể đến món gỏi cá mòi
Cá mòi vừa đánh, bắt từ sông lên, thân còn quẫy, nên được đưa đến chợ luôn tươi rói, da bóng nhẫy mỡ màng. Để làm món gỏi, lựa cá lớn vừa vừa, xương tuy nhiều nhưng mềm, chặt bỏ đầu, đuôi, vây, moi bỏ ruột, đánh sạch vảy, rửa sạch để ráo, dùng dao bén tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Thính riềng hơn hẳn những loại thính thường ở chỗ vừa làm cho thịt cá khô ráo, lại vừa ướp thơm và khử khuẩn cho cá. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo, nước cốt này đun sôi hoà thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt làm nước chấm. Khi dọn ra, trộn thêm mè và đậu phộng rang giã nhỏ vào.
Món gỏi cá mòi sông |
Gỏi cá mòi ăn kèm với các loại rau rừng và một số rau quen thuộc như đinh lăng, tía tô, ngò tàu, xà lách, chuối chát, xoài chua..., song làm nên đặc trưng của món này phải kể đến các loại rau rừng “chủ lực”, được hái từ vùng rừng núi. Có hai cách ăn gỏi cá mòi: hoặc thịt cá đã ướp với rau các loại được cuốn bánh tráng mỏng và chấm nước chấm, ăn thêm với bánh tráng nướng, hoặc chỉ việc trộn cá đã ướp với rau và nước chấm vào một tô, cứ thế mà “lùa” khi nào đã đời mới thôi. Khi ăn, gắp một chiếc lá rừng lớn thêm một nhúm lá thái nhỏ, vài miếng thịt cá lấm tấm thính riềng vàng rộm, cuộn lại và chấm vào bát nước chấm và… nhai…, nhai nửa chừng, “đệm” thêm miếng bánh tráng nướng vàng ươm, giòn tan trong miệng. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng ớt cay thơm, quyện với hương vị các loại lá hương rừng cỏ nội kèm thêm miếng chuối xanh chan chát, miếng khế chua… như ngấm vào chân răng, đầu lưỡi. Gỏi cá mòi Thu Bồn là món ăn từ cá sông, các loại rau từ núi rừng với nhiều màu sắc, hương vị đắng, cay, the, chát hoà quyện, đủ vị âm dương hàn nhiệt, đã được lưu truyền từ bao thế hệ của cư dân hai bên bờ sông Thu Bồn.
( Bài và ảnh Hoà Vang // SGTT Online)