Lạp bò - còn gọi lạp xưởng bò, có thể nói là sản phẩm của người Kinh ở An Giang phát triển và nâng cao từ món ngon “tung lò mò”, đặc sản truyền thống nổi tiếng của đồng bào Chăm tỉnh nầy. Và đó là một thức ăn chơi đã khiến những ai đã nếm thử cũng mê cái hương vị hấp dẫn đặc biệt của nó.
Khoanh lạp bò đang nướng trên bếp than, chỉ nhìn khói tỏa cũng đã thấy ngon. Ảnh: Phương Kiều |
Không mê sao được khi nhìn từng khúc lạp bò trắng ngà, ú nu nằm phơi mình trên bếp than hồng tỏa lên làn khói trắng thơm phức. Khoanh lạp bò từ từ ửng màu đỏ hấp dẫn, dưới bàn tay chăm sóc cẩn trọng của người bán. Chỉ nhìn đã thấy ngon rồi. Nhưng “ngon” nhất là càng lúc mùi thơm của khoanh lạp bò tỏa bay trong không gian, kích thích vị giác.
Thật khó kềm lòng, cầm một chiếc lạp bò tỏa hơi nóng hổi trong đũa, chấm muối tiêu chanh, cắn một cái là thấy đã đời thần khẩu. Mùi ngũ vị hương tươm đầy khẩu cái, nhai, nghe tiếng thịt bò sần sật khoái trá trong răng. Rồi mỡ và thịt bò tan chảy trong miệng, thấm sâu dạ dầy vị ngọt mặn béo bùi, càng nhai càng khoái khẩu với những miếng thịt bò xắt không đều nhau trong chiếc lạp bò. “Ăn tiền” là ở chỗ nầy!
Ngon như thế vì lạp bò là đặc sản của một gia đình duy nhất ở thị trấn Tri Tôn (An Giang) nầy từ gần nửa thế kỷ qua. Mỗi đợt, người ta làm 40 ký lạp bò tươi, bán trong hai ngày. Lạp bò được làm từ thịt ngon nhất của con bò, như bắp bò, sụn bò, nạc bò, đùi bò lóc từ xương bằm nhỏ, trộn với một ít mỡ bò, ngũ vị hương, tiêu, tỏi, bột ngọt, rượu áp sanh và đường. Làm “bao bì” cho lạp bò, được chọn từ ruột bò, cạo cho đến khi mỏng vừa, rửa thật sạch, nên không dai khi nướng chín.
Lạp bò là sự cách tân một cách tài tình từ món “tung lò mò”. Ảnh: Phương Kiều |
Điểm quan trọng là không dùng cơm nguội như đồng bào Chăm làm “tung lò mò”. “Tung lò mò” là đặc sản nổi tiếng và rất được người Chăm ưa thích. Họ bảo cơm nguội trong “tung lò mò” càng để lâu càng lên men mới là điều tuyệt diệu của món ăn khi nướng chín. Tuy nhiên người Việt lại không quen vị chua của cơm nguội lên men, họ chỉ thích phần thịt bò thấm đẫm gia vị. Và, lạp bò là sự cách tân một cách tài tình từ món “tung lò mò” theo khẩu vị người Việt với một chút ngũ vị hương.
Thịt bò miệt Tri Tôn được người miền Tây đánh giá là ngon tuyệt, hơn nữa là loại thịt mới xả còn tỏa hơi nóng. Thêm một ưu điểm nữa là ngũ vị hương ướp lạp bò có thể là một loại gia vị đặc trưng của Tri Tôn vì ngoài mùi thơm dìu dịu còn có vị ngọt quyến rũ, hơn hẳn các loại ngũ vị hương khác vốn có “hậu” hăng hắc đắng.
Muốn ăn lạp bò người ta phải chịu khó đứng chờ những khoanh lạp bò dần chín đỏ thơm lừng trên vỉ trên bếp than. Nướng lạp bò cũng là một công phu, than phải đập nhỏ vừa mới cho ngọn lửa lúc nào cũng đỏ đều, khiến cho khoanh lạp xưởng chín đều từ ngoài vào sâu trong ruột, không bị “sượng” hoặc cháy sém. Vì có khá nhiều đường và làm không kịp bán nên nó là món ăn còn tươi. Muốn đem đi xa phải được nướng sơ tới một độ nào đó để khi về đến nhà, để lạp bò trong tủ lạnh, cả tuần lễ, khi muốn ăn nướng hoặc chiên đều vẫn thơm ngon như cái “thuở ban đầu”.
(Theo Thời báo kinh tế SG)